Đồng cảm và sẻ chia

.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 60 trẻ khiếm khuyết với các dạng tự kỷ, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ… (gọi chung là trẻ khuyết tật). Với phương châm đồng cảm và sẻ chia, Trung tâm đã trở thành mái ấm của những đứa trẻ kém may mắn.

Hướng dẫn cho trẻ khuyết tật hiểu vì sao đèn đỏ, đèn tắt.
Hướng dẫn cho trẻ khuyết tật hiểu vì sao đèn đỏ, đèn tắt.

Đến Cơ sở Can thiệp sớm của Trung tâm vào đầu năm học mới, chúng tôi mới phần nào hiểu được sự nhọc nhằn, vất vả của các cô giáo nơi đây. Trong mỗi phòng học chỉ có 5-6 em học sinh, nhưng có đến 2 cô giáo, tận tụy hướng dẫn từng động tác nhỏ.

Tại một phòng học, cô giáo Nguyễn Thị Hồng My thắp cây đèn sáp và giải thích cho các em hiểu ngọn đèn cháy là do có không khí; nếu không có không khí, đèn sẽ tắt ngay. Nói xong, cô lấy chụp thủy tinh úp lên cây đèn sáp và ngọn đèn vụt tắt. Cô làm đi làm lại nhiều lần, khiến các học sinh thích thú cười rộ. Trong một phòng khác, cô giáo Vũ Thị Hường kiên trì hướng dẫn em N.V.D. cách thức xỏ dây và nhận biết sắc màu. Cô tỉ mỉ bày cho D. động tác xỏ dây qua lỗ những mẫu nhựa có màu sắc khác nhau và sắp xếp để các mẫu kế nhau không trùng màu… 

 
Tới bữa ăn, các cô giáo lại kiên nhẫn dỗ dành, động viên để bón cho học sinh từng thìa cơm. Nhiều em khua khuấy, vung tay, lắc đầu, có em xô đổ cả tô cơm vào người cô giáo. Cô Vũ Thị Hường tâm sự: “Làm việc ở đây, ai cũng tự nhắc luôn đồng cảm và sẻ chia, dù khó mấy cũng không nản lòng, bởi các trẻ khuyết tật ở đây đã quá thiệt thòi”.

Trung tâm được thành lập từ năm 2009, nhằm giáo dục các kỹ năng tự phục vụ, làm việc nhà, vui chơi giải trí cho trẻ khuyết tật. Số lượng trẻ đến trung tâm ngày càng nhiều, hầu hết ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Một số trường hợp ở các tỉnh khác được gia đình đưa đến đây để được hỗ trợ ngắn hạn. Hằng ngày, các em được gia đình chở đến Trung tâm từ lúc 7 giờ và đón về chậm nhất lúc 18 giờ.

Năm 2014, lãnh đạo Trung tâm tổ chức thành 2 bộ phận: Cơ sở Can thiệp sớm tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) dành cho các trẻ khuyết tật từ 2 đến dưới 8 tuổi và mô hình Sống độc lập tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) dành cho các em từ 8 tuổi trở lên không có khả năng học văn hóa. Tuy ở 2 nơi, song, điểm chung của tất cả các cán bộ, giáo viên của Trung tâm là sự tận tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật. “Ở Trung tâm, ai cũng hết lòng giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, biết kỹ năng sinh hoạt nhóm và những kỹ năng thông thường”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm nhìn nhận.

Tại Cơ sở Can thiệp sớm, các em được giáo dục, rèn luyện để giảm dần những khiếm khuyết của bản thân với mục tiêu đến năm 6 tuổi có thể đi học hòa nhập ở các trường tiểu học. Những trường hợp không thể hòa nhập thì đến 8 tuổi sẽ được chuyển sang mô hình Sống độc lập. Ở đây, các em được hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ như vệ sinh cá nhân, lau nhà, rửa bát, giặt quần áo… “Mục tiêu của Trung tâm là giúp các em lớn lên không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Phó Giám đốc Trung tâm Lê Thị Kim Thu nhấn mạnh.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt hiện có 22 cán bộ, giáo viên với trình độ từ trung cấp đến thạc sĩ. Tiến sĩ Bùi Việt Tuấn, cán bộ Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng và thạc sĩ Lê Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) làm cố vấn chuyên môn của Trung tâm này.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.