Ký ức từ "đất lửa" Hòa Vang

.

Chiến tranh đã lùi xa, lớp người trẻ sinh ra trong thời bình như chúng tôi chỉ biết tên xã, tên làng. Nhưng với những cô chú, anh chị từng nếm mật nằm gai trong giai đoạn đất nước kháng chiến, những cái tên “Khu 2”, “Mặt trận 44 Quảng Đà”, “Khu căn cứ Hòa Vang”… luôn gợi bao ký ức sâu đậm, chan chứa tình người.

Tuổi trẻ Hòa Vang tiếp nối truyền thống cách mạng, khắc họa lại những giây phút thồ hàng của quân và dân trong kháng chiến.
Tuổi trẻ Hòa Vang tiếp nối truyền thống cách mạng, khắc họa lại những giây phút thồ hàng của quân và dân trong kháng chiến.

“Đầu năm 1967, tôi nhập ngũ ở đơn vị Q84-H16 (sau này gọi là đơn vị C2 thuộc Khu 2 Hòa Vang), được biên chế vào Trung đội nữ do đồng chí Trần Thị Sốt làm Trung đội trưởng, bắt đầu cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương”, bà Hoàng Thị Vân, nguyên Đại đội phó Q84-H16 mở đầu câu chuyện bằng cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời mình.

Những năm 1967-1969, đơn vị Q84-H16 đóng quân tại dốc Ô Rây, có quân số khoảng 200 người, chia thành 3 trung đội nam và 1 trung đội nữ. Dốc Ô Rây cách cơ quan Huyện ủy Hòa Vang khoảng 500 mét đường chim bay nhưng đi bộ, băng qua những con suối, ngọn đồi mất cả giờ đồng hồ.

Từ ngày đầu nhập ngũ, như bao bạn bè hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, bà Vân cùng đồng đội theo chân anh chị đi gùi gạo, đi nhận vũ khí, súng đạn phục vụ chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; cùng cán bộ và du kích địa phương xây dựng phong trào chiến đấu và vận động người dân bám trụ giữ làng. “Cuối năm 1967, đơn vị tổ chức đoàn 30 người đi nhận vũ khí chuẩn bị chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại đường 9 Nam Lào, cả đi lẫn về hơn một tháng. Nửa đường trở về đoàn không còn lương thực, trời mưa tầm tã, bụng đói, súng đạn, vũ khí nặng trĩu trên lưng khiến ai cũng muốn ngã gục. Qua mỗi bản, làng, đoàn đều cử người vào nhà dân để xin lương thực nhưng đồng bào khi ấy cũng đang đói, không còn lúa gạo, chỉ còn cây sắn, cây khoai ngoài rẫy nhưng đang chết héo, củ thâm quầng vì ảnh hưởng của chất độc hóa học. Biết khoai, sắn nhiễm độc, nhưng cả đoàn đành phải ăn cầm hơi để có sức gùi đạn về đơn vị cho kịp ngày chiến đấu”, bà Vân nhớ lại.

Đơn vị C2 là lực lượng trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Khu 2. Thượng tá Nguyễn Đình Quý, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Hòa Vang là vành đai bao quanh Đà Nẵng, nơi tập trung số lượng lớn quân số, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy. “Ngày đầu đánh Mỹ, lực lượng vũ trang Hòa Vang chỉ có trên 200 bộ đội, 400 du kích xã và gần 700 du kích thôn nhưng quyết tâm “đánh dập mặt bọn xâm lược Mỹ ngay từ trận đầu”, tổ chức nhiều trận đánh ngoan cường, táo bạo, vừa tiêu diệt lực lượng, phương tiện của địch, vừa bảo vệ lực lượng của ta. Có hàng chục trận đánh Mỹ trong tháng 6-1967 của du kích xã Hòa Thượng, Hòa Phú, Hòa Thái, Hòa Lợi, Hòa Hưng, Hòa Lương, Hòa Bình, Hòa Châu… Nổi bật như trận chặn đánh một Trung đội Mỹ tại đình Hương Lam trên đường 14 của Tiểu đội du kích thôn La Châu, diệt 12 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngoài ra, trận đánh ngày 30-10-1965 của Tiểu đoàn bộ đội tỉnh Quảng Đà, Trung đội bộ đội huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Tiểu đội đặc công Hòa Vang cùng du kích các xã Hòa Lương, Hòa Hưng đã diệt gọn một đại đội Mỹ, phá hủy 2 xe bọc thép, san bằng cứ điểm địa Gò Hà, đây được xem là thắng lợi lớn nhất, đầu tiên của quân và dân Quảng Đà.

Những năm kháng chiến, thực hiện chủ trương của Đảng là “bám đất, bám dân, bám cơ sở”, các lãnh đạo huyện Hòa Vang thường xuyên về địa bàn các xã để vận động người dân một lòng kiên trung với cách mạng. Ông Nguyễn Bá Thành, phụ trách giao liên Khu 2 Hòa Vang chia sẻ, trong khoảng thời gian từ năm 1967-1975, lực lượng giao liên huyện trực tiếp dẫn đường, đưa các lãnh đạo như Trần Văn Đán (Bí thư Huyện ủy), Lê Tích (Phó Bí thư Huyện ủy), Nguyễn Phú Mười (Huyện ủy viên)... xuống cơ sở để truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Từng là giao liên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Lê Đức Chờ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) rành rẽ mọi ngóc ngách, đường đi tại huyện Hòa Vang. Thời gian ấy, bộ phận giao liên của huyện có khoảng 10 người, chủ yếu hoạt động ban đêm để tránh bị phát hiện. Như bao người khác, ông Chờ làm nhiệm vụ đưa thư, đưa công văn từ căn cứ Huyện ủy xuống các xã, đưa cán bộ lãnh đạo đi thực địa, tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược. Đi đến đâu xóa dấu vết đến đó. “Đường từ khu căn cứ xuống các xã Hòa Vang phải đi hết 4 giờ đồng hồ, địch thường xuyên kiểm soát gắt gao. Bên cạnh lực lượng giao liên huyện, các xã đều có thêm lực lượng giao liên hợp pháp và bất hợp pháp. Có thời điểm chúng tôi phải ở trong hang đá cả tháng không thấy mặt trời, áo quần không giặt, cơm không đủ no, ngủ không đủ giấc… Khó khăn, gian khổ nào cũng từng nếm trải”, ông Chờ nhớ lại.

Trong quá trình phát triển phong trào cách mạng ở địa phương, lực lượng giao liên huyện Hòa Vang đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Vào những năm 1959, phong trào cách mạng ở Hòa Vang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về vũ khí ngày càng cao. Nhằm chủ động cho phong trào cách mạng huyện, Huyện ủy đã chỉ đạo lực lượng giao liên huyện tham gia vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào. Ông Chờ cho biết, trong hai năm 1962 và 1964, ông đã dẫn đường cho bộ đội địa phương và lực lượng du kích ra Khe Sanh, đường 9 Nam Lào nhận vũ khí. Đoàn đi từng tốp 50-70 người, dọc theo núi rừng Trường Sơn, xuyên qua đất Lào từ 1 đến 2 tháng. Mỗi ngày đoàn đi 6 tiếng, nghỉ chân tại các trạm. Trên đường đi, mỗi người đều mang theo gạo, muối, cá hộp, gửi tại các trạm giao liên để ăn dọc đường. Vũ khí mang về chủ yếu súng, lựu đạn, AK, B40, B41… Nhờ đó, lực lượng vũ trang của huyện và du kích các xã đều được trang bị vũ khí để phục vụ chiến đấu.

Lịch sử Đảng bộ huyện Hòa Vang ghi lại, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hòa Vang luôn là địa bàn giao tranh ác liệt. Do có vị trí quan trọng, núi rừng trùng điệp, Hòa Vang được chọn là nơi xây dựng khu căn cứ cách mạng, là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não và lực lượng cách mạng trong kháng chiến. Năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định xây dựng khu căn cứ chung của tỉnh, gọi là khu căn cứ cánh Tây Hòa Vang (lấy mật danh là B1). Từ đó, cánh Tây Hòa Vang trở thành cái nôi của phong trào cách mạng các huyện phía Bắc và Tây Bắc của tỉnh, là địa bàn đứng chân của các cấp lãnh đạo trong những năm tháng gian khó, ác liệt nhất.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, cùng với bề dày lịch sử cách mạng tại địa phương, Hòa Vang sẽ tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh niên. Cũng theo ông Trường, thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu với cựu chiến binh, đặc biệt những người từng công tác và chiến đấu trên địa bàn huyện Hòa Vang, từ đó có cơ sở lưu giữ truyền thống cách mạng cũng như làm dày thêm tư liệu về truyền thống cách mạng tại huyện nhà.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
.
.
.