Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước quan tâm rất sát sao, quyết liệt tới công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thi hành Hiến pháp. Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vì sao vẫn còn 21 luật chưa được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu đến hết năm 2020 có hoàn thành được hay không và nếu không hoàn thành kịp, tác động của việc chậm trễ này như thế nào đối với các vấn đề kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân...? Một số ý kiến đề nghị rà soát lại để có thái độ dứt khoát, rõ ràng với một số dự án luật còn chậm trễ…
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá các báo cáo được chuẩn bị tương đối đầy đủ, chỉ rõ những mặt được, mặt hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cho ý kiến vào vấn đề cụ thể, các thành viên Ủy ban Thường vụ cho rằng nên có bảng số liệu so sánh trong vòng hai năm về tình hình khiếu nại, tố cáo để có thể đối chiếu, so sánh; qua đó có thể xem xét, giám sát cụ thể hơn; đề nghị các địa phương sắp xếp lịch tiếp công dân không bị trùng với các lịch họp khác của lãnh đạo, để việc tiếp công dân hiệu quả hơn; việc phân loại các đơn thư cũng cần được thực hiện hiệu quả hơn; đề nghị Chính phủ tổ chức đánh giá lại các khiếu kiện về đất đai, tìm rõ nguyên nhân để có cách xử lý hiệu quả; kết nối dữ liệu về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo để các cơ quan đều nắm rõ, tạo thuận lợi cho việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ đánh giá về các khiếu nại tố cáo của Chính phủ, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh khách quan tình hình thực tiễn. Sau phiên họp, đề nghị các cơ quan tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
TTXVN/Quochoi.vn