Phát huy vai trò giám sát trong phòng, chống tham nhũng

.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vừa tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TKCLP); thực hiện pháp luật về tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy tại phường Hòa Cường Bắc, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).

Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm việc với xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).
Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm việc với xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).

Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, PCTN; thực hành TKCLP, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy; kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp. Qua giám sát, chưa phát hiện tham nhũng, lãng phí tài sản công. Việc thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên luôn được thực hiện nghiêm túc. Công tác kê khai tài sản, thu nhập cá nhân được công khai, minh bạch và báo cáo theo đúng quy định. Hoạt động công vụ được công khai, minh bạch tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát, quản lý...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật ở các phường, xã chưa thường xuyên, liên tục, chủ yếu tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp dân. Người dân còn thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về KNTC. Một số trường hợp người dân dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành quyết định giải quyết KNTC, vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, kiến nghị đến cấp trên.

Cán bộ phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC ở phường, xã kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều nên tham mưu giải quyết KNTC, kiến nghị có lúc chưa sâu. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của cán bộ tiếp công dân chưa đáp ứng với yêu cầu công việc, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đôi khi chưa đạt được hiệu quả, chưa giải quyết triệt để nguyện vọng chính đáng của người dân.

Để thực hiện tốt công tác PCTN, thực hành TKCLP; thực hiện pháp luật về tiếp công dân giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy, trong thời gian đến các địa phương cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC, Luật PCTN, Luật Thực hành TKCLP.

2. Tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư, KNTC, PCTN và thực hành TKCLP, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy trong những năm đến có hiệu quả hơn.

3. Phát huy dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm túc Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý tài sản công. Các cơ quan cần chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, tự phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chú trọng đến các giải pháp có tính phòng ngừa, răn đe.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện các quy định của Luật PCTN; Luật Thực hành TKCLP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân trong đấu tranh PCTN, thực hành TKCLP.

5. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn nữa Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bộ phận tiếp dân, tiếp nhận đơn thư giải quyết KNTC, kiến nghị phản ánh với các bộ phận chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể của phường. Từ đó có cơ sở phân loại vụ việc, xác định tính chất mức độ phức tạp, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết, tham mưu giải quyết từng vụ việc có kết quả.

6. Các chương trình giám sát của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân, phát hiện được những khe hở về cơ chế, chính sách để động viên nhân dân tích cực tham gia PCTN.

7. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; xây dựng các quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của phường, xã có năng lực, trình độ, tận tụy, liêm chính, chí công, vô tư, phát huy hết quyền làm chủ của nhân dân.

DƯƠNG ĐÌNH LIỄU

;
;
.
.
.
.
.