Thi hành kết luận của Kiểm toán Nhà nước là rất cần thiết

.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã bổ sung quyền khiếu nại của đối tượng được kiểm toán. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 56 theo hướng đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán, về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán đó là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đơn vị được kiểm toán có quyền khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng quy định, trong thời gian giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, trừ trường hợp Tổng Kiểm toán Nhà nước và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, có ý kiến đề nghị quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán phải được quy định như quyền khiếu nại đối với các lĩnh vực khác.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp không đồng ý với kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; đề nghị quy định theo hướng khởi kiện ra tòa và quy định rõ cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý; quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung điều, khoản cụ thể vào dự thảo Luật để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính, đặc biệt là đảm bảo quyền khởi kiện ra tòa vì báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính...

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị Kiểm toán nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phân tích quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga không đồng tình về việc khi đối tượng được kiểm toán đang khiếu nại mà vẫn phải thi hành quyết định của Kiểm toán nhà nước. Bà Nga cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp cần xem xét và điều chỉnh lại.

Lý giải về việc này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng việc xác định đối tượng được kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công đã được thông qua từ đầu năm. Nếu đoàn kiểm toán nào hoạt động ngoài kế hoạch sẽ phải chịu trách nhiệm, quy định này cũng tránh để xảy trùng lặp.

Ông Phớc cũng cho biết, từ khi phát hiện ra đối tượng cần kiểm toán cho đến khi công bố kết quả phải trải qua bốn khâu, trong đó có việc đánh giá những chứng cứ liên quan nên rất chính xác và khoa học. "Chưa từng có khiếu nại nào đối với kết quả kiểm toán trong những năm qua", ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng trong hoạt động kiểm toán nếu đối tượng được kiểm toán khiếu nại mà lại cho dừng thi hành kết luận của Kiểm toán thì không hợp lý.

Trong luật đã quy định rõ: Kiến nghị kiểm toán bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Kết luận Phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiểu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các ý kiến tiếp thu, giải trình; đồng thời khẳng định quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không mở rộng đối tượng được kiểm toán mà giữ nguyên theo luật hiện hành.

Về quy định trách nhiệm thi hành kết luận của kiểm toán, cũng như thực hiện quyền khiếu nại của đối tượng được kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc thi hành kết luận của Kiểm toán nhà nước là rất cần thiết vì nội dung này đã được quy định rõ trong luật và hoàn toàn hợp lý...

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.