Vươn lên nghịch cảnh

.

Dù thu nhập không cao nhưng các thợ may người khuyết tật (NKT) tại Công ty TNHH Tâm Ánh Minh rất vui và gắn bó với công việc vì được làm người có ích.

Những thợ may khuyết tật miệt mài với công việc.
Những thợ may khuyết tật miệt mài với công việc.

Tại cơ sở may thuộc Công ty TNHH Tâm Ánh Minh trên đường Nguyễn Du (quận Hải Châu), những thợ may NKT ngày đêm miệt mài bên những đống vải vụn và chiếc máy may để may sản phẩm là những tấm vải lau. Giá tiền công mỗi kg sản phẩm chỉ có 3.000 đồng, người chăm chỉ may, tích cực làm tăng ca, mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng, nhưng ai nấy đều vui vẻ và hăng say lao động vì cảm thấy bản thân trở thành người có ích. Chị Ngô Thị Hiền, bị khiếm thính, nhà ở đường Hùng Vương (quận Hải Châu), được vào làm ở đây đã nhiều năm, chăm chỉ làm việc, giờ chị coi nơi đây như tổ ấm. Anh Lê Anh Tâm ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), bị thiểu năng trí tuệ, sau 6 tháng học may tại Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng cũng xin vào đây làm. Nhận 1 triệu đồng tiền công của tháng làm việc đầu tiên, anh Tâm xúc động nói: “Đây là số tiền lớn đầu tiên tôi làm được kể từ khi sinh ra đến bây giờ, tôi sẽ cố gắng may nhanh hơn để có thu nhập cao hơn”... 

Ở cơ sở may của Công ty TNHH Tâm Ánh Minh, các thợ may đều là NKT. Đầu buổi sáng mỗi ngày, chị Trịnh Thị Ngân (Cán bộ quản lý) bố trí việc làm cho từng người và liên hệ đầu vào, đầu ra. Chị Ngân cho biết, Công ty Tâm Ánh Minh đã ký được hợp đồng với gần 10 doanh nghiệp về việc mua sản phẩm vải lau, tiêu biểu như Công ty Ô-tô Trường Hải, Công ty Đóng tàu Sông Thu, Công ty Gỗ Vinapo... Còn nguyên liệu là loại vải rẻo chất liệu thun co-ton, mua tại các công ty, xí nghiệp may ở Đà Nẵng với giá 5.500 đồng/kg. Hàng chục người lao động với các dạng khuyết tật khác nhau đang làm ở cơ sở may đặc biệt này có điểm chung là sự chuyên cần, nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ các mảnh vải rẻo, họ may nối lại để tạo thành những tấm vải lớn với độ dày 2 lớp, 5 lớp... theo đơn đặt hàng. Thời gian qua, lãnh đạo Công ty Tâm Ánh Minh đã khai thác được nguồn đầu ra bền vững, nhờ đó, người lao động có việc làm thường xuyên.

Hằng ngày, khoảng 7 giờ 30, NKT được gia đình đưa đến đây và cuối buổi chiều lại tới đón về. Bữa trưa, họ ăn cơm bình dân và ngồi nghỉ chốc lát ngay tại bàn may. Gắn bó với nhau trong công việc, những người đồng cảnh ngộ tìm thấy bao tình thân ái và sự thương yêu, đồng cảm. Chị Huỳnh Thị Ngọc Ánh, 27 tuổi, trú phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), chậm phát triển trí tuệ và đang có con nhỏ, từ tốn chia sẻ: Dù thu nhập còn thấp nhưng có việc làm ổn định nên tôi rất vui, tôi đang ở nhờ nhà cha mẹ và cố gắng may để mỗi tháng có vài triệu đồng mua sữa cho con.  

Những thợ may khuyết tật nơi đây thường được các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị thăm hỏi, động viên, tặng quà. Qua đó, họ như được tiếp thêm sức mạnh trên hành trình vượt khó. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng kiêm Giám đốc Công ty Tâm Ánh Minh cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tuyển thêm lao động và luôn ưu tiên đối với những NKT có tay nghề khá. “Chúng tôi sẽ mở rộng ngành nghề, may thêm một số sản phẩm thông dụng, phấn đấu nâng cao thu nhập cho những người thợ đáng trân trọng này”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.     

    Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.