Chuyện '5 không' ở thôn Phước Hưng Nam

.

Tại thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, việc tang trong thôn đã thực hiện “5 không” xây dựng nếp văn hóa, văn minh ở làng quê. Người khởi xướng “5 không” và xây dựng nếp sống văn hóa mới là nữ Trưởng thôn Đỗ Thị Tùng.

Đường giao thông qua thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn luôn được xanh-sạch-đẹp nhờ sự chung tay dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh của người dân địa phương.
Đường giao thông qua thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn luôn được xanh-sạch-đẹp nhờ sự chung tay dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh của người dân địa phương.

Với sự năng nổ trong hoạt động, chị Tùng tham gia công tác phụ nữ với nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hưng Nam ngay từ năm 1999. Tiếp đó, chị Tùng vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2005, chị Tùng là Phó trưởng thôn Phước Hưng Nam, rồi làm Chi ủy viên Chi bộ Đảng và được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn từ năm 2013 đến nay.

Thôn Phước Hưng Nam từ một vùng quê vắng vẻ, trầm lắng các phong trào quần chúng thì nay đã trở thành thôn kiểu mẫu của chương trình nông thôn mới ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Vùng đất Phước Hưng Nam đã thay đổi từng ngày theo hướng văn minh, cuộc sống nâng lên mọi mặt nhưng cũng đậm đà tình làng, nghĩa xóm. Những “đất lề, quê thói” được duy trì nhưng đổi mới thành “hương ước, quy ước” làm nên nét đẹp văn hóa của vùng miền. Đó là xây dựng hiệu quả mô hình “5 không” trong thực hiện việc tang, ma chay trên địa bàn thôn. Theo đó, khi gia đình nào trong thôn có việc tang thì thực hiện “5 không”: không thuê mướn dàn nhạc về phục vụ tang lễ; không tổ chức uống rượu; không rải giấy vàng mã ra đường khi đưa tang; không sử dụng hạt dưa và không hút thuốc lá.

Chị Tùng kể, “việc thực hiện “5 không” trong việc tang là để người sống tôn trọng người đã khuất và thể hiện sự chia buồn thành tâm nhất. Những việc làm gây ồn ào, uống rượu, hút thuốc lá hay cắn hạt dưa thì thực sự không cần thiết và lãng phí về chi phí”. Trước đây, khi chưa thực hiện mô hình “5 không” trong việc tang, có gia đình sử dụng đến 15kg hạt dưa trong một đám tang.

Kinh nghiệm để  thực hiện thành công mô hình “5 không” trong việc tang được chị Tùng chia sẻ: “Cấp ủy chi bộ, ban nhân dân thôn và các đoàn thể tranh thủ được sự đồng thuận của các bậc cao niên, các trưởng tộc, trưởng họ để triển khai. Ngoài ra, trong các cuộc họp toàn dân, tôi đều dành thời gian để lồng ghép triển khai chủ trương này cho nhân dân hiểu, những lúc đi dự đám, tiệc trong thôn tôi cũng tranh thủ để tâm sự cho mọi người về những lợi ích, nét văn minh khi thực hiện mô hình này. Việc thực hiện “5 không” được chi bộ xây dựng nội dung và thông qua nghị quyết. Ban đầu, thí điểm không sử dụng dàn nhạc; đám tang sau bổ sung thêm việc không tổ chức uống rượu… rồi nâng dần thực hiện trọn “5 không” trong việc tang.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Nhơn Lê Luận nhận xét: Trưởng thôn Phước Hưng Nam Đỗ Thị Tùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào ở cơ sở với kết quả luôn hoàn thành sớm và vượt các chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm. Đặc biệt, nữ Trưởng thôn Phước Hưng Nam đã tổ chức, thực hiện hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội, tích cực vận động nhân dân xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới, trong đó thực hiện “5 không” trong việc tang là mô hình hay rất đáng để nhân rộng ra ở địa phương.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.