Có những công việc mãi trong thầm lặng, nhưng với họ, làm được điều gì đó có ích cho đời là vui rồi...
Những con người thầm lặng tại bếp ăn tình thương (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). |
9 giờ sáng mỗi ngày, cánh cửa bếp ăn tình thương (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) lại bắt đầu mở. Không gian chỉ chừng hơn chục mét vuông nhưng chứa khá nhiều vật dụng nhà bếp, vậy mà ngăn nắp, sạch sẽ vô cùng. Câu nói của nhà văn Lev Tolstoy được dán ngay chính giữa căn bếp: “Khổ đau chia đôi, khổ đau vơi nửa. Hạnh phúc chia đôi, hạnh phúc nhân đôi”. Có lẽ, chia sẻ nỗi đau chính là tôn chỉ, mục đích và trở thành hạnh phúc của căn bếp này.
Chưa đầy một giờ đồng hồ sau, căn bếp trở nên náo nhiệt với gần chục cô, bác loay hoay sửa soạn. Người nhặt rau, người vo gạo, rửa cá..., mỗi người phụ trách mỗi phần việc với tất cả sự tỉ mỉ. Có bác năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa bộc bạch: “Ngày nào bác cũng đến đây, làm mãi rồi quen. Nhỡ gia đình có công chuyện gì, bỏ một buổi thì trong lòng lại thấy khó chịu, nôn nao cho tới ngày mai để được tiếp tục công việc của mình”. Có cô vầng trán ướt đẫm mồ hôi, hối hả làm cho xong “nhiệm vụ” để về lo chuyện gia đình, chia sẻ: “Thực phẩm bây giờ không an toàn như ngày xưa nên phải sơ chế cho kỹ. Rau củ phải được rửa nhiều nước, ngâm qua nước vo gạo; thịt, cá cũng phải rửa qua nước muối. Người nghèo đã bệnh cho nên bữa cơm cần phải ngon và an toàn mới trọn cái nghĩa, cái tình”.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng thì đồng hồ cũng điểm trưa. Những hộp cơm, bát cháo sau đó được Ban điều hành bếp ăn mang đi trao cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Cũng có lúc do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chính tay phát cho người nghèo. Lúc đó, các cô, các bác, những người trực tiếp đứng bếp không có mặt bởi họ đã về lo chuyện cơm nước, giặt giũ ở gia đình.
Cứ thế, ngày qua ngày, vẫn một công việc thầm lặng với cái tâm thiện là điểm chung để họ trở thành một tập thể đoàn kết, vì cộng đồng mà không màn đến sự vinh danh.
Bài và ảnh: TRƯỜNG ĐỨC