Dự án sân bay Long Thành: "Nếu kiểm soát tốt sẽ không "mất" cán bộ"

.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát dự án sân bay Long Thành.

Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Chiều ngày 24-10, Quốc hội đã nghe báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã chia sẻ về việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án sân bay Long Thành và giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ hiện nay.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho hay, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện sẽ yên tâm hơn.

Tuy nhiên, theo ông Khái, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thấu đến thi công…

“Kinh nghiệm và qua thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường”, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói.

Vì vậy, ông Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư hết quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.

Ông Khái nhấn mạnh: “Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý "mất" cán bộ”.

Kế hoạch năm 2018-2019 Chính phủ đã bố trí vốn cho Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 11.490 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 300 tỷ đồng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, trên thực thế tình trạng giải ngân chậm tồn tại ở Việt Nam từ trước đến nay và xảy ra ở hầu hết các dự án.

Theo ông Nhưỡng, đối với dự án này tình trạng giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân liên quan đến quá trình triển khai các tiểu dự án như kiểm đếm chậm, thu hồi đất chậm, di dân chậm, các đối tác khác chưa ký được hợp đồng...

"Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân nữa là các cơ quan địa phương tiến hành chậm hoặc quỹ thời gian không có nên luống cuống, có thể phải làm đi làm lại nhiều lần", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy ông Nhưỡng cũng cho rằng, đây là dự án lớn nên cũng cần phải làm cẩn thận và phải đúng trình tự, thủ tục, nếu cứ  "quẳng" tiền vào đó thì hậu quả khó lường vì đây là tiền của Nhà nước, tiền của nhân dân.

Đối với việc giải phóng mặt bằng, cũng theo ông Nhưỡng, đây là một dự án rất phức tạp, chính vì thế đã có hẳn một nghị quyết tách riêng việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng.

"Với việc thu hồi đất tại 6 xã liên quan đến 15.000 nhân khẩu, phải thiết kế các khu dân cư, các cơ sở tôn giáo. Chỉ riêng công tác kiểm đếm và đánh giá tài sản của hàng nghìn hộ dân đã là một câu chuyện mất nhiều tháng, nhiều năm", ông Nhưỡng chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề nữa là khả năng nhập nhèm giữa đất ở, đất ruộng, đất rừng và đặc biệt là loại đất không thuộc đất gì (đất sông, ngòi, kênh, rạch…) nếu không cẩn thận người dân sẽ lợi dụng chuyện đó để trục lợi.

"Theo tôi đây là dự án cực kỳ phức tạp, ở một khía cạnh nào đó chưa có dự án nào giải phóng mặt bằng lại lớn như thế, tận 15.000 người phải di dời và biết đâu nó sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp như tranh chấp, nhiều hệ lụy. Để phát triển cũng phải chấp nhận một sự đau đớn nên chậm cũng đành phải chịu", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành của đoàn Lạng Sơn thì gay gắt hơn, tại các kỳ họp Quốc hội khóa 13 nhiều đại biểu đã hồ hởi chờ đón sân bay Long Thành nhưng hiện nay rất nhiều vấn đề, lẽ ra chủ đầu tư phải trình báo cáo khả thi hoàn chỉnh nhưng đến nay chỉ là báo cáo giai đoạn 1 chưa hoàn chỉnh.

Đối với vấn đề tái định cư, khóa trước đã kỳ vọng vào dự án giải phóng măt bằng sớm nên đã quyết chi 23.000 tỷ đồng nhưng hiện nay với giải ngân được rất ít.

"Câu hỏi đặt ra là phải xem xét bao nhiêu lần nữa với cái kiểu cứ trình thế này, mà theo nghị quyết thì chỉ là báo cáo khả thi thôi, cứ bàn kiểu này thì sẽ mất rất nhiều thời gian", ông Thành cho biết.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.