Cháy, nổ luôn gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, việc kiềm chế cháy, nổ; không để xảy ra cháy lớn là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân.
Hộ gia đình tại quận Thanh Khê diễn tập phòng cháy, chữa cháy. |
Tiềm ẩn nguy cơ
Những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng có tốc độ phát triển mạnh, nhiều nhà cao tầng mọc lên, doanh nghiệp tăng nhanh, đồng thời nhiều khu dân cư cũ chật hẹp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an thành phố, 9 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 200 vụ cháy, khiến 1 người chết, thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng; trong đó tập trung nhiều ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Thanh Khê.
Theo nhận định của Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố, nhìn tổng thể thì tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố được kiềm chế. Nếu 6 tháng đầu năm, số vụ cháy tăng 41 vụ thì 3 tháng kế tiếp (7, 8, 9), số vụ cháy giảm đến 160 vụ so với cùng kỳ 2018. Số vụ cháy tập trung nhiều nhất tại khu vực nhà dân (chiếm trên 30%), cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ (chiếm trên 10%); phương tiện giao thông (chiếm 7,6%); còn lại chủ yếu là các sự cố cháy nhỏ, cháy cỏ rác ở khu vực công cộng, sự cố cháy dây điện, trụ điện, bảng hiệu quảng cáo. Việc kiềm chế được số vụ cháy cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, ý thức phòng ngừa cháy, nổ của nhân dân và sự chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa của lực lượng chức năng.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Nam, nhà cao tầng luôn luôn nằm trong dạng nguy cơ, nên hầu hết được đầu tư trang thiết bị PCCC bài bản. Ngoài ra, quá trình nghiệm thu, kiểm tra, thẩm duyệt được lực lượng chức năng chú trọng nên khá yên tâm. Tuy nhiên, cũng có một số nhà do chủ đầu tư tiết kiệm chi phí đầu tư nên không bảo đảm về PCCC, ngành chức năng đã yêu cầu những nơi này tiếp tục đầu tư nhằm đáp ứng công tác phòng chống cháy, nổ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ là do sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội; nhiều ngành kinh tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ với các loại hình hoạt động đa dạng được thành lập và đi vào hoạt động; quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, chất dễ cháy khác với mức độ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về công tác bảo đảm an toàn PCCC còn hạn chế dẫn đến công tác PCCC ở cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân chưa đầy đủ và triệt để. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn chủ quan trong công tác PCCC, có đầu tư trang thiết bị PCCC nhưng sơ sài, chủ yếu để đối phó sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, phương tiện chữa cháy của lực lượng chức năng còn thiếu, nhiều phương tiện đã quá hạn sử dụng.
Nhiều giải pháp ngăn ngừa cháy, nổ
Trong những năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC và công an các đơn vị, địa phương tích cực tham mưu các cấp, chính quyền chỉ đạo phát động xây dựng phong trào toàn dân PCCC, trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Cụm dân cư, khu chung cư an toàn PCCC”, mô hình “Chợ kiểu mẫu an toàn về PCCC” và mô hình “Cửa hàng xăng dầu văn minh – An toàn PCCC, xanh, sạch, đẹp”. Toàn thành phố đã vận động trang bị bình chữa cháy xách tay tại hộ gia đình đạt hiệu quả tích cực (191.911/217.129 hộ, đạt 88,38% tổng số hộ trên địa bàn thành phố).
Thiếu tá Lê Văn Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hải Châu cho biết, xác định Hải Châu là địa bàn trọng điểm, phức tạp về cháy, nổ nên Công an quận chú trọng đến công tác tuyên truyền. Trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền an toàn PCCC và hướng dẫn cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại các khu dân cư, trường học, cơ quan doanh nghiệp; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở tại các cơ sở kinh doanh, chợ; đẩy mạnh việc xây dựng “Khu dân cư an toàn về PCCC” trên toàn địa bàn quận.
Tại quận Sơn Trà, Công an quận duy trì hiệu quả mô hình “Cụm dân cư an toàn về PCCC”, “Khu dân cư an toàn về PCCC”, “Trường học an toàn về PCCC”, 100% mô hình được duy trì hiệu quả; trong đó 90% hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy cá nhân. Bà Nguyễn Phương Thảo, ngụ phường Phước Mỹ cho biết, để chủ động phòng, chống cháy, nổ, gia đình đã trang bị bình chữa cháy xách tay . “Chúng tôi được Cảnh sát PCCC tổ chức hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó, gia đình thường xuyên kiểm tra, bảo quản tốt bình chữa cháy để sử dụng khi cần thiết”, bà Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, địa bàn quận Thanh Khê có nhiều khu dân cư cũ, kiệt hẻm chật chội, nguy cơ cháy rất cao. Chính vì vậy, Công an quận Thanh Khê đã triển khai nhiều giải pháp, chú trọng xây dựng “Cụm dân cư bảo đảm an toàn về PCCC” và thực tập phương án về chữa cháy. Thiếu tá Trương Huy Chương, Phó Công an quận Thanh Khê cho biết, trong 9 tháng qua, Công an quận đã hướng dẫn 10 phường hoàn thành hồ sơ “Cụm dân cư đảm bảo an toàn PCCC” và xây dựng phương án tại 204 cụm dân cư trên địa bàn quận; tổ chức thực tập gần 15 phương án tại các cơ sở kinh doanh, chợ, khu dân cư nhằm nâng cao ý thức cho người đứng đầu các cơ sở cũng như toàn thể nhân dân trong việc PCCC.
Ông Hồ Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cho biết, địa phương đã vận động nhân dân trang bị bình chữa cháy để chủ động phòng cháy tại chỗ; đồng thời phường cũng trang bị thiết bị PCCC cho các lực lượng khu dân cư và đội dân phòng. Ngoài ra, UBND phường phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền tại 8 khu dân cư; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy cho người dân. “Nỗ lực của các đoàn thể địa phương, cũng như tinh thần tự giác PCCC của nhân dân đã ngăn ngừa được cháy, nổ trong thời gian qua, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hồ Văn Dũng khẳng định.
Những giải pháp thiết thực trong công tác PCCC ở Đà Nẵng đã được Bộ Công an đánh giá cao và chọn là nơi tổ chức tổng diễn tập phương án PCCC và cứu hộ, cứu nạn cấp bộ.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ