Người gác đình làng Trung Nghĩa

.

Người dân khu dân cư (KDC) Trung Nghĩa, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) vẫn quen gọi bà bằng cái tên thân thương: người gác đình làng Trung Nghĩa. Hơn 5 năm qua, ngoài công tác từ thiện, một mình bà tự nguyện quét dọn sân đình, thay nước, mua hoa, quả thắp hương tại đình làng Trung Nghĩa. Bà là Trần Thị Kim Chinh (55 tuổi), Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Trung Nghĩa 3.

Bà Trần Thị Kim Chinh cần mẫn chăm sóc, quét dọn, hương khói thường xuyên tại đình Trung Nghĩa.
Bà Trần Thị Kim Chinh cần mẫn chăm sóc, quét dọn, hương khói thường xuyên tại đình Trung Nghĩa.

Đình làng Trung Nghĩa có tuổi đời hàng trăm năm, là biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân KDC Trung Nghĩa bao đời nay. Từ năm 2005, đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, đến năm 2010 được trùng tu lại khang trang, sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, do không có người trông coi thường xuyên, lại thêm tình trạng lá cây đổ ngập sân đình cũng như các ngày rằm, ngày đầu tháng (âm lịch) không có người hương khói nên không tránh khỏi sự quạnh quẽ. Cách đây 5 năm, sau thời gian ngắn về sinh sống tại KDC Trung Nghĩa, bà Chinh tự nguyện sáng chiều quét dọn, hương khói vào các dịp kể trên để ngôi đình luôn sạch đẹp, ấm cúng. “Đây là việc làm mình tự nguyện. Hồi mình mới về KDC này sinh sống, thấy đình luôn ngập lá cây, mỗi lần lễ, Tết phải huy động cả làng ra quét mới xong, rồi hương khói mỗi dịp đầu và giữa tháng, thấy vắng lặng quá. Mình vào quét đình, tự nguyện hương khói, nên đình ấm cúng, nhiều người lui tới hơn”, bà Chinh nói.

Dịp lễ hội Đình làng Trung Nghĩa (10-3 âm lịch) năm 2019, bà Chinh đóng góp 5 triệu đồng để cúng đình cũng như góp sức tổ chức các chương trình lễ hội thật ý nghĩa. “Không chỉ người dân mà chúng tôi cũng quen gọi chị là “người gác đình làng Trung Nghĩa”, bởi chị ấy ngày nào cũng quét sạch sân đình, lo chu tất việc nghĩa của đình và miếu âm linh trong KDC. Chị ấy tự nguyện làm tất cả, rất vui vẻ, nhiệt tình và giản dị”, bà Phạm Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh nói.

Tìm hiểu thêm về bà Chinh, mới thấy những việc làm thiện nguyện chan chứa nghĩa tình mà bà dành cho cộng đồng, dù cuộc sống của bà chẳng đủ đầy gì. Xuất thân nông dân, từ tỉnh Quảng Nam, bà Chinh ra Đà Nẵng mưu sinh, làm công nhân dệt may tại khu công nghiệp Hòa Khánh cách đây hơn 20 năm. Sau một lần đau nặng, bà nghỉ hẳn công việc, trở về bán bún nuôi con. 5 năm trước, bà Chinh chuyển từ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) về sinh sống tại KDC Trung Nghĩa (phường Hòa Minh). May mắn, cuộc sống gia đình dần khá lên. Tận dụng những mảnh đất trống quanh nhà, bà trồng rau sạch để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Không chỉ người dân mà chúng tôi cũng quen gọi chị là “người gác đình làng Trung Nghĩa”, bởi chị ấy ngày nào cũng quét sạch sân đình, lo chu tất việc nghĩa của đình và miếu âm linh trong khu dân cư. Chị ấy tự nguyện làm tất cả, rất vui vẻ, nhiệt tình và giản dị”

Bà Phạm Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh

Dần dà, nhiều chị em trong KDC cũng trồng rau cải thiện bữa ăn, rồi lượng rau dư thừa, trở thành nguồn rau sạch cung cấp cho các phiên chợ rau từ thiện của Chi hội Phụ nữ Trung Nghĩa 3. Năm 2018, sau nhiều lần đến thăm hộ gia đình phụ nữ nghèo trong KDC, thấy hoàn cảnh bà Nguyễn Thị S. (tổ 14) quá đáng thương, bà Chinh cùng Chi hội Phụ nữ KDC và các cơ quan chức năng hỗ trợ tiền để gia đình bà S. sửa lại nhà. “Hồi trước, vào nhà chị ấy, nhìn lên trần cứ trống hoác, nắng chói, mưa dột, tội lắm. Mình cũng từng có hoàn cảnh như chị ấy nên đồng cảm và mong muốn chị có chỗ ở ổn định rồi lo làm ăn mà vươn lên”, bà Chinh chia sẻ. Trong đợt vận động hỗ trợ tiền làm nhà cho bà S., cá nhân bà Chinh hỗ trợ 4 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của gia đình.

Ngoài các khoản đóng góp chung vào các chương trình vận động của KDC thực hiện an sinh xã hội, Tết Nguyên đán 2019, bà Chinh đã vận động một mạnh thường quân hỗ trợ KDC Trung Nghĩa 75 bao gạo, nhiều suất quà để tặng hộ nghèo. Mới đây, trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, bà Chinh đã chi tiền túi 4 triệu đồng để tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). “Nhà mình chẳng giàu có chi, nhưng thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn nên đồng cảm và tự nguyện sẻ chia. Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, miễn sao họ có động lực để cùng vươn lên, để họ thấy luôn có người quan tâm, đồng hành”, bà Chinh nói về những đợt hỗ trợ các chương trình thiện nguyện.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh khẳng định: “Nếu so với một số người, hoàn cảnh chị Chinh vẫn còn khó khăn, nhưng cứ thấy ai khó khăn thì chị tìm cách giúp đỡ, khi thì vật chất, khi thì công việc, và nhiều cách khác rất thiết thực. Từ công việc trong nhà ra ngoài ngõ, chị ấy đều làm chăm chỉ và nhiệt huyết”.

Ngoài “chức vụ” Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Trung Nghĩa 3, bà Chinh còn làm cộng tác viên dân số, làm tổ phó tổ dân phố. Tất cả đều là công việc “vác tù và hàng tổng”. Nhưng chưa ai thấy bà nản lòng và không hoàn thành nhiệm vụ. Bà nói, đã làm thì phải làm cho tốt công việc, cấp trên có tin tưởng thì mới giao mình làm. Ngặt nỗi do không biết đi xe đạp, cũng không biết đi xe máy, mỗi lần có việc phải họp đột xuất hay họp định kỳ ở phường, quận, ở thành phố hay đi công việc tập thể đột xuất, bà đều “điều” chồng chở đi. Bà Phạm Thị Minh Phương tâm sự: “Những việc làm nhân nghĩa chị Chinh đều được gia đình ủng hộ. Mọi người hỗ trợ một tay để tạo thêm sức lan tỏa”.  

Bài và ảnh: HÀN NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.