Trong “tự soi, tự sửa” phải đề cao tính gương mẫu, làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên, phải bắt đầu từ cấp ủy cấp trên, từ người đứng đầu… Đây là ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy khi đánh giá về kết quả “tự soi, tự sửa” tại Đảng bộ huyện Hòa Vang trong thời gian qua.
Công dân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. |
Thường xuyên “tự soi, tự sửa”
Theo ông Bùi Văn Tiếng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở Đảng bộ thành phố, Đảng bộ huyện Hòa Vang có những cách làm khá quyết liệt và bài bản thông qua “tự soi, tự sửa”.
Đây là một điển hình tiên tiến, một mô hình xứng đáng được biểu dương và nhân rộng. “Không dễ để tự giác nhận khuyết điểm, sai lầm. Nhưng “tự soi” không chỉ có tác dụng tự giác nhận khuyết điểm, sai lầm mà “tự soi” chủ yếu để tránh không phạm khuyết điểm, để kịp thời dừng lại trước khi sắp phạm khuyết điểm, sai lầm. Đó chính là tính ưu việt của tự soi so với soi”, ông Tiếng nói.
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, để Đảng bộ huyện Hòa Vang tiếp tục “giữ lửa” cho sinh hoạt chính trị quan trọng này, cũng như có thể truyền cảm hứng cho các đảng bộ khác cùng “tự soi, tự sửa” đạt hiệu quả thiết thực hơn thì một kinh nghiệm nên áp dụng là cần phải có định hướng là 27 biểu hiện nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Một kinh nghiệm nữa trong “tự soi, tự sửa” là phải đề cao tính gương mẫu, làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên, phải bắt đầu từ cấp ủy cấp trên và từ người đứng đầu.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường nhìn nhận, qua thực hiện “tự soi, tự sửa”, đa số các đảng viên trên địa bàn huyện đã nhận thức sâu sắc 27 biểu hiện suy thoái, thống nhất trong nhận thức về sự cần thiết phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong việc rèn luyện, trau dồi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ông Trần Văn Trường khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tác động lớn tới tâm tư, tình cảm, khát vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi tinh thần cốt lõi của nghị quyết này vẫn là nhìn thẳng sự thật để đưa ra các giải pháp.
Do vậy, Đảng bộ huyện Hòa Vang chủ trương phải làm quyết liệt và trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cấp ủy các cấp chủ trì xây dựng chương trình hành động của tập thể; vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); đồng thời bám sát thực tiễn cơ sở nhằm nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có kế hoạch hành động, từng cá nhân thực hiện nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Trường nói.
Cần có cơ chế giám sát hiệu quả
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang Lê Trung Thắng, sau hơn 7 tháng thực hiện việc “tự soi, tự sửa”, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang bước đầu đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn thiếu quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Việc xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế còn chung chung; tinh thần “tự soi” ở một số tập thể, cá nhân thiếu quyết liệt nên việc nhận diện những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa sát với những biểu hiện đang diễn ra. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên…
Theo ông Thắng, đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ ra 9 nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 nhóm biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống. Đối với đảng viên ở thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã cụ thể 6 nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và 6 nhóm biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống sát với tình hình của địa phương để tiếp tục có giải pháp “tự soi, tự sửa” triệt để hơn.
PGS.TS Nguyễn Thế Tư, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 3 cho rằng, giải pháp “tự soi, tự sửa” có tác dụng giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên rất hiệu quả nên cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt không chỉ ở huyện Hòa Vang mà phải nhân rộng hơn trong Đảng bộ thành phố.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Tư, đối với đặc thù huyện Hòa Vang đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới và tốc độ đô thị hóa nhanh thì cần đưa các nội dung kiểm tra, giám sát, “tự soi, tự sửa” gắn với nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức Đảng, đặc biệt là gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII).
Song song đó, cần tăng cường vai trò giám sát của quần chúng nhân dân theo dõi, góp ý, nhất là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên trong việc thực hiện “tự soi, tự sửa” ở địa phương. Đặc biệt, cần coi trọng tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Có như thế thì quá trình triển khai và đích đến của “tự soi, tự sửa” mới chuyển biến rõ nét hơn.
Có thể thấy, dù vẫn còn những vấn đề cần giải quyết và rút kinh nghiệm sâu sắc qua “tự soi, tự sửa”, nhưng có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thông qua giải pháp “tự soi, tự sửa” chắc chắn sẽ mang lại những động lực, nguồn sinh khí mới để toàn Đảng bộ huyện Hòa Vang phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức, xứng đáng là cái nôi cách mạng, tiếp tục sáng tạo và quyết liệt hơn nữa để xây dựng quê hương Hòa Vang phát triển giàu mạnh trong thời gian đến.
Ông Trần Văn Trường cho biết, phần lớn cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện Hòa Vang có bản lĩnh chính trị vững vàng, không mơ hồ, mất cảnh giác trước những tiêu cực đang diễn ra, tuyệt đối giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, có ý thức học tập, rèn luyện, tinh thần, trách nhiệm, phương pháp, tác phong trong công tác chuyển biến rõ nét, phong cách lãnh đạo có nhiều đổi mới; kỷ cương hành chính được tăng cường. Trong sinh hoạt Đảng, các cấp ủy đã thực hiện tốt các nguyên tắc phê bình và tự phê bình; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ