Xây dựng chính quyền đô thị gắn với nâng cao đời sống dân sinh

.

Đây là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tại hội thảo “Thực trạng và tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị”, do Thành ủy tổ chức ngày 30-10.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu kết luận hội thảo.  Ảnh: TRỌNG HÙNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, việc nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) phù hợp để phục vụ nhu cầu phát triển, đáp ứng quyền lợi của người dân là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cho các vấn đề an sinh của người dân thành phố tốt hơn, cũng cần đặt ra hàng loạt các vấn đề như: vai trò lãnh đạo của Đảng trong bộ máy của CQĐT; quản lý và điều hành của UBND; phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy dân chủ và cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền; những lợi ích mang lại cho thành phố, cho xã hội và người dân khi triển khai mô hình CQĐT...

Vì vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các tổ chức Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội về thực trạng và tổ chức hoạt động khi thí điểm mô hình CQĐT; đưa ra các đề xuất, phương án nhằm đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của CQĐT tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. 

Tại hội thảo, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Võ Công Chánh nêu những mặt ưu, nhược điểm khi triển khai thực hiện Đề án CQĐT của thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình này, mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với chính quyền cần bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng theo Điều lệ Đảng và các quy định chung; đồng thời phải chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ngoài ra, cần trao quyền tự chủ cho quận, huyện trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức theo hướng bảo đảm số lượng biên chế, không vượt quá chỉ tiêu thành phố giao để thuận lợi trọng công tác bố trí cán bộ cũng như bảo đảm số người làm việc tại các cơ quan, đơn vị…

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và các cấp ủy; quản lý và điều hành của UBND các cấp đối với phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội khi thí điểm CQĐT.

Ngoài ra, các đại biểu nêu giải pháp để phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND thành phố cũng như vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp khi không tổ chức HĐND ở  các quận, huyện, phường, xã…

Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong việc thực hiện đổi mới mối quan hệ lãnh đạo cấp ủy với chính quyền; giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội trong điều kiện thực hiện CQĐT.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, CQĐT là một mô hình mới, nên chắc chắn trong quá trình xây dựng sẽ gặp những vướng mắc, nhưng dù tổ chức theo mô hình nào thì phải giải quyết được bài toán tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với hiệu lực, hiệu quả, tăng trách nhiệm về thẩm quyền của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, giải quyết các tệ nạn xã hội…

“CQĐT với những vấn đề mang tính thể chế hay cơ chế thì phải giải quyết vấn đề dân sinh một cách thiết thực. Đó chính là điều người dân thành phố mong đợi nhất”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh.

Được biết, dự kiến mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng sẽ có 2 phương án. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và một cấp hành chính (áp dụng đối với phường), cụ thể là không tổ chức HĐND phường tại thành phố Đà Nẵng.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.