CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Bảo đảm an ninh năng lượng, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

.

Ngày 7-11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Nội dung chất vấn được các đại biểu (ĐB) nêu liên quan đến trách nhiệm và các giải pháp của các bộ, ngành.  

Bảo đảm môi trường đầu tư, an ninh năng lượng

Trả lời chất vấn của các ĐB về gian lận xuất xứ để trục lợi thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo cơ chế phòng vệ thương mại có danh mục 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận rất khó khi vừa bảo đảm môi trường đầu tư, vừa giữ hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại. Vì vậy, cần sự phối hợp của các cơ quan trong giám sát thực hiện. Về vấn đề gian lận xuất xứ để phục vụ cho tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, lừa dối khách hàng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi đánh tráo, dán mác Việt Nam để tiêu thụ trong nước. Các vụ việc như Khải Silk, Asanzo là điển hình về hành vi gian lận thương mại và xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhắc đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, trong đó có các cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực để đầu tư phát triển hệ thống điện. “Tuy nhiên nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Công thương là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Sự phát triển của ngành cũng chính là sự phát triển của đất nước, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam thành nước phát triển.

Trả lương theo vị trí việc làm, xử lý nghiêm tham nhũng vặt

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tinh giản đến nay là 40.500 người. Khối hành chính Nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu đề ra với nhiều lý do khác nhau. “Công tác cán bộ rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, là người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng. Bộ Nội vụ đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, vì Chính phủ giao Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, nhưng hơn một năm từ năm 2015 đến tháng 8-2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt được Đề án.

Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phân cấp cho bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. Sau khi phân cấp, các bộ, ngành, địa phương làm rất tốt nên đến nay, gần như bộ, ngành, địa phương đã làm xong vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021. Trước những bất cập về các quy định về chứng chỉ trong việc thi nâng ngạch, thăng hạng với đội ngũ công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã nhận lỗi và hứa sẽ rà soát, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi quy định.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về xử lý cán bộ, công chức tham nhũng vặt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt. Vừa qua Chính phủ ban hành Đề án Văn hóa công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hóa công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, tinh thần xử lý tham thũng vặt là phải kiên quyết.

Sắp xếp tổ chức bộ máy phải thận trọng, hợp lý

Cũng trong chiều 7-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đăng đàn làm rõ một số vấn đề ĐB Quốc hội nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Đánh giá vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ rất phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ xác định phải làm từng bước, thận trọng, hợp tình, hợp lý, cá biệt có vấn đề phải hợp đạo lý.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn, quan trọng, mục tiêu là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ ra, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn vướng mắc như bộ máy hành chính Nhà nước ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém, chưa làm tròn chức trách, còn tình trạng tham nhũng vặt; sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, xử lý sai phạm chưa nghiêm…

Để kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính Nhà nước, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ như: ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và công vụ, công chức để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các luật mới sắp được Quốc hội thông qua, trong đó lưu ý các vấn đề như văn bằng chứng chỉ trong tuyển dụng; xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu, sắp xếp cán bộ dôi dư sau tinh giản biên chế, phương thức thi nâng ngạch công chức; tiếp tục rà soát, thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan, bố trí cấp phó phù hợp đối với việc thí điểm hợp nhất các sở ở địa phương. “Căn cứ ý kiến của các cơ quan, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, thận trọng, khả thi trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ; đồng thời, chỉ đạo các Bộ hoàn thiện định mức biên chế y tế, giáo dục cho phù hơp với thực tế”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay.

Thiếu giáo viên và nhân viên y tế

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về biên chế giáo viên và nhân viên y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là 1,8 triệu người, 80% trong đó là giáo viên và nhân viên y tế. Tuy nhiên, theo thống kê bước đầu, cả nước còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và hơn 12.000 nhân viên y tế. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo xác minh cụ thể, từ đó đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị bổ sung.

S.TRUNG
 

;
;
.
.
.
.
.