Chiều 8-11, sau 3 ngày Quốc hội chất vấn 4 Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn để báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Tận dụng thời cơ phát triển mạnh mẽ
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng quán triệt không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công. Thủ tướng cho biết, đánh giá lại quy mô GDP thì GDP mới sẽ là 310 tỷ USD. Song, cách tính này áp dụng cho sau năm 2020, và nhấn mạnh việc tính lại GDP không phải vì bệnh thành tích.
Để tận dụng cơ hội trong năm ASEAN 2020, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng là giữ gìn đoàn kết trong khối, lấy ASEAN làm trung tâm, nâng cao vị thế Việt Nam, tăng cường đầu tư, thương mại, giữ gìn hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có khu vực Biển Đông. Nhắc đến lịch sử chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ phải luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường. “Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1-2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Vì thế, phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương. Về quốc phòng, an ninh, trước mối quan tâm của Đại biểu Quốc hội về các hành vi vi phạm nghiêm trọng vùng biển nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây cũng mối quan tâm, nỗi lo lắng chung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm trên Biển Đông.
Xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến những lĩnh vực của ngành. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo Luật Báo chí, cơ quan báo chí được phép liên kết. Việc liên kết trong thời gian qua đã giúp chất lượng báo chí, phát thanh truyền hình ngày càng tốt hơn. Trong năm 2019 và đầu 2020, Bộ TT&TT tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề liên kết, hợp đồng liên kết và trách nhiệm liên kết. Liên quan đến vấn đề mạng xã hội không tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay, Việt Nam có hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội với rất nhiều mục đích khác nhau, trong đó có vấn đề kinh tế.
Cơ sở luật pháp hiện nay đã đủ mạnh để quản lý mạng xã hội ở nước ngoài. Trong năm 2019, Bộ TT&TT đã đạt được sự thống nhất giữa các cấp, các ngành về việc đưa ra các tình huống xử lý các mạng xã hội sai phạm. Về việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ. Theo Bộ trưởng, bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng và ai cũng có thể đưa thông tin, vì vậy, mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Bởi có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại.
Quy hoạch báo chí, xây dựng Chính phủ điện tử
Trả lời câu hỏi về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí, cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi báo, tạp chí, phát thanh có lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam. “Cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, không có chuyện như trước kia nữa, tức là chấn chỉnh hoạt động báo chí trong một thời gian trước đây chúng ta cũng có sự buông lỏng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.
Cùng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vấn đề an ninh mạng là vấn đề toàn cầu, tất các quốc gia đều quan tâm. Hiện nay không có một quốc gia nào đủ lực đối phó được vấn đề về an ninh mạng mà cần có sự liên kết để xử lý. Về vấn đề tội phạm mạng, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cũng rất khó khăn, vì đây là loại tội phạm ẩn danh với phương thức hoạt động trên rất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài những lĩnh vực đã đấu tranh, xử lý trong thời gian qua, Bộ Công an đang đấu tranh trên các lĩnh vực đang có chiều hướng phát triển ở Việt Nam như: thương mại điện tử, hàng giả, buôn lậu trốn thuế; phát triển kinh tế thông qua điện tử, tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ hiện đang có xu hướng vượt lên trên sự quản lý của Nhà nước, của ngân hàng. Về kết nối thông tin trong Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bên cạnh việc tạo lập cơ sở dữ liệu kết nối, dùng chung thì cũng cần quan tâm đến bảo vệ bí mật quốc gia.
Liên quan đến việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, sau 20 năm Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử; việc cắt giảm các thủ tục hành chính đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Chính phủ tiếp tục xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành Chính phủ, tập huấn chính sách... bảo đảm những vấn đề mà Chính phủ điện tử phải đạt được, phải mang lại lợi ích cho nhân dân. Theo lộ trình, tháng 11-2019 này, Chính phủ sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Không để tái diễn thảm kịch 39 người chết “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại phiên chất vấn chiều 8-11. |
D.MINH - ĐẶNG NỞ