CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Tháo gỡ vướng mắc về phát triển thủy sản và thương mại

.

Ngày 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu (ĐB) tập trung nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm; các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng thắn, thể hiện trách nhiệm cao, đáp ứng mong đợi của cử tri.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.  					Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xử lý vi phạm chính sách “tàu 67”

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) liên quan đến tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng hơn 3 lần, từ 3.000 DN lên hơn 11.000 DN, trải đều khắp vùng, miền trong cả nước. Trong đó, có nhiều DN lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… trong thời gian đến nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp tăng trưởng cao và bền vững.

Trả lời chất vấn của các ĐB về các giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận có tình trạng này; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường, tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, lâu dài. Bộ sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các vùng sản xuất để giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây khác đem lại hiệu quả cao hơn.

Về khai thác thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn đã được trang bị các thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại. Tuy nhiên, phương tiện có chiều dài dưới 15m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần phải có lộ trình để từng bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.

Trả lời chất vấn của ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) về những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2014, trong bối cảnh Việt Nam cần ngư dân vươn ra các ngư trường xa để bảo đảm phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh. Bộ đã tham mưu và Thủ tướng đã có nhiều quyết sách. Nếu phát hiện sai phạm thì không cấp phép cho các tàu ra khơi nữa. Bên cạnh đó, nếu phát hiện chi cục thủy sản nào móc nối với ngư dân để rút tiền ngân sách hỗ trợ thì phải xử lý nghiêm khắc.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm trong công tác đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ mà các ĐB đề cập, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện các quy định của pháp luật, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án. Hiện nay, vụ án này đang chuẩn bị đưa ra xét xử. Giải trình thêm về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại. Với trường hợp bất khả kháng, tiếp tục hỗ trợ để cơ cấu lại nợ; đối với trường hợp chây ì sẽ tiến hành thu hồi nợ.

Liên quan đến nội dung chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về các giải pháp bù lượng thịt heo bị dịch tả heo châu Phi trong dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả heo châu Phi là dịch bệnh xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm. Về vấn đề dự báo giá thịt heo sẽ tăng cao trong dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước đây giá 40.000-45.000 đồng/kg nhưng nay tăng lên 60.000-65.000 đồng/kg. Vì vậy, mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được.

Đấu tranh với gian lận thương mại, kiểm soát điện mặt trời

Liên quan đến chất vấn của ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) về việc các doanh nghiệp lợi dụng hàng hóa gắn mác Việt Nam chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đi các nước khác, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang có cơ hội hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam để tranh thủ ưu đãi về thuế quan, mới nhất là lô nhôm trị giá 4,3 tỷ USD giả hàng Việt Nam chờ đi Mỹ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đã chủ động phối hợp và báo cáo Chính phủ; đồng thời, phối hợp các bộ, ngành cùng quản lý và xử lý những vấn đề này. Mới đây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án về phòng vệ thương mại, tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại.

Trả lời ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về bản đồ “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trong ô-tô nhập khẩu và triển lãm, là hiện tượng mới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước mắt, ô-tô đem đi triển lãm đã bị tịch thu, doanh nghiệp nhập khẩu bị triệu tập, yêu cầu thu hồi ô-tô nhập khẩu có phần mềm “đường lưỡi bò”. Doanh nghiệp này bị tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh cho đến khi khắc phục được vấn đề, bảo đảm không tái diễn trong tương lai.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về các dự án điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng dự án điện mặt trời đều mong muốn phát triển điện sạch, nhưng triển khai thực hiện đánh giá không hết về khả năng, năng lực của nhà đầu tư điện mặt trời, dẫn tới trong thời gian ngắn có tới gần 5.000MW điện mặt trời được đầu tư.

Tại phiên chất vấn, các ĐB đã nêu lên hàng loạt vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; thủ tục xin giấy phép xuất khẩu, công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng...

Hôm nay 7-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tích cực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam đã bị EU rút thẻ vàng do có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai. Theo đó, thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất. Từ khi bị rút thẻ vàng đến nay, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.