Bão số 6 giật cấp 12-14 hướng vào đất liền, hỗ trợ tàu thuyền trú bão
Ngày 6-11, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND thành phố vừa có Công văn số 7419/UBND-STNMT chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị liên quan và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động ứng phó, xử lý kịp thời và nhanh chóng khắc phục những sự cố do mưa, lũ gây ra.
Hướng di chuyển của bão số 6. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương). |
Theo đó, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển và triển khai dọn vệ sinh, ưu tiên khu vực ven biển, dọc trên sông Hàn, tuyến đường chính; nhanh chóng thu gom, xử lý rác thải phát sinh hằng ngày, bảo đảm vệ sinh tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển, tránh ứ đọng rác thải, phát sinh mùi hôi.
Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải; tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của nhân dân về bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chủ động phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu vực được giao trước, trong và sau mưa lũ.
UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể, lực lượng quân đội; huy động nhân dân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát động phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp để triển khai dọn vệ sinh môi trường.
Chỉ đạo UBND các phường, xã thông báo cho nhân dân hạn chế phát sinh rác thải có kích thước lớn, vật dụng cồng kềnh trong thời gian mưa, lũ và không được để lẫn với rác sinh hoạt, tạo thuận lợi cho đơn vị thu gom thực hiện.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc quản lý chất thải đúng quy định, tránh việc lợi dụng tình hình mưa lớn để xả thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường; phát động phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp để triển khai dọn vệ sinh môi trường trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý chất thải đúng quy định, chuẩn bị phương án ứng phó; nghiêm cấm lợi dụng tình hình mưa lũ để xả chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại) ra môi trường.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trong quá trình thi công, cắt tỉa cây xanh, xử lý cây xanh ngã đổ cần chủ động phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng xử lý kịp thời, bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường...
l Chiều 6-11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ thông tin, dự báo đến 13 giờ ngày 7-11, tâm bão số 6 ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12.
Bão số 6 di chuyển chậm về phía tây với tốc độ khoảng 5km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Từ chiều 8-11, bão có sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 sẽ di chuyển nhanh hơn theo hướng tây với tốc độ 10km/giờ. Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10-15km/giờ và sẽ đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận vào chiều 10-11 rồi đi vào đất liền.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, còn 160 tàu với 3.277 người đang hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông (Quảng Nam có 11 tàu, Quảng Ngãi 125 tàu, Bình Định 25 tàu).
Đặc biệt, có 9 tàu cá của Quảng Ngãi với 101 ngư dân đang ở phía tây quần đảo Trường Sa nhưng chưa liên lạc được và 15 tàu cá hoạt động ở vùng biển nguy hiểm đã đề nghị được can thiệp ngoại giao để trú, tránh bão ở vùng biển Philippines (trong đó, Bình Định có 12 tàu, Quảng Nam 3 tàu). Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn.
Trong ngày 6-11, tiếp tục có 4 tàu cá với 37 ngư dân (Bình Định có 1 tàu, Quảng Ngãi 3 tàu) hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông đề nghị cơ quan chức năng liên hệ với phía Philippines xin được vào tránh trú.
Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, hiện có 1 tàu cá với 11 lao động của Đà Nẵng hoạt động ở phía tây quần đảo Hoàng Sa đang di chuyển vào bờ; 6 tàu cá với 58 lao động hoạt động ở vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại của các tàu cá, ngư dân.
HOÀNG HIỆP