Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, mở rộng thị trường nông sản

.

ĐNO - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng nay 6-11. 

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp 

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) liên quan đến tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng hơn 3 lần, từ 3.000 DN lên hơn 11.000 DN, trải đều khắp vùng, miền trong cả nước. 

Trong đó, có nhiều DN lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… trong thời gian đến nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp tăng trưởng cao và bền vững.

da
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại kỳ họp vào sáng 6-11. Ảnh: TRỌNG HÙNG (ảnh chụp từ màn hình)

Liên quan đến các giải pháp đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đã và đang cơ cấu lại sản xuất, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới.

Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Trong 10 năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này". 

Khắc phục tình trạng được mùa, mất giá 

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về các giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa nhưng cũng mất cả giá, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận có tình trạng này; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường, tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, lâu dài. 

Bộ sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các vùng sản xuất để giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây khác đem lại hiệu quả cao hơn.  

Về khai thác thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn đã được trang bị các thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại.

Tuy nhiên, phương tiện có chiều dài dưới 15m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần phải có lộ trình trình để từng bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.

ĐB
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: TRỌNG HÙNG (ảnh chụp từ màn hình)

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) liên quan đến xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương tiên tiến chưa được áp dụng đại trà. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường trong thời gian đến. 

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.