Giải pháp thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng

.

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị là dự án động lực, trọng điểm cần tập trung triển khai của thành phố trong giai đoạn 2016-2020. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên dự án chưa được triển khai trong thực tế.

Tuy nhiên, dự án có khả năng được triển khai bằng hình thức đầu tư - chuyển giao (BT) theo Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 15-8-2019 của Chính phủ nếu được các cấp thẩm quyền đồng ý chủ trương. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (ảnh) cho biết đang báo cáo, xin ý kiến các cấp lãnh đạo theo quy định.

 

* Thưa ông, vấn đề di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị ở khu vực được đặt ra từ năm 2016. Vì sao tình hình thực hiện kéo dài?

- Thực ra, Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị đã được xác định là công trình trọng điểm, động lực và đã có chỉ đạo, chủ trương triển khai thực hiện từ rất lâu, cụ thể là theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo cả 2 nghị quyết này, Bộ Chính trị xác định dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị là công trình trọng điểm, mang tính động lực phát triển của vùng và cả nước.

Kể từ khi Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo về sự cần thiết và cho chủ trương triển khai, các cơ quan Trung ương và thành phố đã tìm nhiều giải pháp để thực hiện.

Tuy nhiên, do nguồn ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn, cùng lúc phải thực hiện nhiều mục tiêu trên địa bàn cả nước nên dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị chưa thể triển khai thực hiện.

Ngày 25-1-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 914/VPCP-CN, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức PPP. Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 1439/BGTVT-ĐTCT ngày 7-2-2018 giao Ban Quản lý dự án Đường sắt Việt Nam phối hợp cùng các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng; nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn thực hiện.

Ngày 8-3-2018, Bộ Giao thông vận tải có Thông báo số 103/TB-BGTVT có nêu: Giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, cập nhật việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vào tổng thể của dự án đường sắt Bắc - Nam.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 15-8-2019 quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây chính là cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố về phương án mới đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT.

So với tình hình trước đây thì phương án mới này có tính khả thi hơn hẳn, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu của dự án và tạo sự đồng bộ về hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Tổng dự án di dời ga Đà Nẵng và tái thiết đô thị dự kiến đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng theo hình thức BT.
Tổng dự án di dời ga Đà Nẵng và tái thiết đô thị dự kiến đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng theo hình thức BT.

Ngày 28-10-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và Ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị liên quan thống nhất đề nghị UBND thành phố trình Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức đầu tư - chuyển giao (BT) và thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 15-8-2019 để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thành phố đề xuất thực hiện dự án.

Trên tinh thần đó, ngày 13-11-2019 UBND thành phố đã có Báo cáo số 278/BC-UBND báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố. Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã có Báo cáo số 462-CV/BCSĐ trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo.

* Nội dung cơ bản của dự án là gì?

- Dự án bao gồm 2 tiểu dự án. Theo đó, dự án 1 bao gồm di  dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị đầu tư theo hình thức BT với các hợp phần: di dời ga đường sắt; phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và nhà ga mới; tái thiết phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng.

Tiểu dự án này thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga đường sắt hiện trạng; khu vực quỹ đất xung quanh nhà ga mới; khu vực 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố.

Tiểu mục dự án thứ 2 thực hiện đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị theo hình thức sử dụng vốn ngân sách.

Một số hạng mục công trình đầu tư cần thực hiện như xây dựng tuyến đường sắt mới dài 29km, khổ tàu 1m; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ; xây dựng nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Nguồn đầu tư tạm tính khoảng 5.530 tỷ đồng.

Phát triển đô thị cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh nhà ga cũ và nhà ga mới khoảng 830 tỷ đồng; tái thiết phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng như xây dựng đường đô thị; giải tỏa và tái định cư cần nguồn kinh phí 2.300 tỷ đồng. Ngoài ra cũng bố trí nguồn vốn thực hiện di dời giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt và tái thiết phát triển đô thị khoảng 2.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án hơn 12.600 tỷ đồng.

* “Việc Chính phủ đã có Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 15-8-2019 quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây chính là cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo thành phố về phương án mới đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. So với tình hình trước đây thì phương án mới này có tính khả thi hơn hẳn.

Sau khi Thường trực Thành ủy thống nhất và có ý kiến chỉ đạo, UBND thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương. Nếu được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương thì thành phố Đà Nẵng sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo phương án mới này, vì người dân trong khu vực dự án cũng đã bức xúc nhiều năm lắm rồi”. (Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải)

* “Trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam có dự án ga đường sắt mới được quy hoạch từ năm 2004. Việc dự án chậm triển khai gây rất nhiều khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về phía người dân bị ảnh hưởng quyền lợi đối với quyền sử dụng đất, thiếu nơi an cư lạc nghiệp; nhà ở xuống cấp không được sửa chữa, xây mới.

Về phía chính quyền địa phương phải dành quá nhiều thời gian, nhân lực cho hoạt động quản lý trật tự đô thị, không thực hiện được các dự án đầu tư cơ hạ tầng đô thị. Chính quyền và nhân dân phường Hòa Khánh Nam suốt nhiều năm qua luôn có kiến nghị đến các cơ quan quản lý rằng dự án ga đường sắt mới trên địa bàn phường có triển khai hay không.

Nếu không triển khai thì công bố xóa quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống. Qua thông tin có vốn và giải pháp thực hiện tổng thể dự án Di dời ga Đà Nẵng và tái thiết đô thị, địa phương rất phấn khởi và đón nhận. Đây là động lực để phường Hòa Khánh Nam thiết kế lại đô thị, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với vị trí đầu mối giao thông quan trọng của thành phố và khu vực”. (Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng)

* “Chúng tôi rất phấn khởi từ thông tin chính quyền thành phố đã có giải pháp triển khai dự án. Cá nhân tôi và người dân đều sẵn sàng đồng thuận với chủ trương triển khai dự án nhà ga đường sắt mới, chấp hành chủ trương về đền bù, giải tỏa, tái định cư.

Tuy nhiên cũng có nhiều lo âu bởi dự án “treo” quá lâu, tình trạng pháp lý về nhà đất của từng hộ dân sinh sống ở khu vực dự án rất phức tạp. Theo đó, phần lớn chưa được cấp quyền sử dụng đất do chuyển nhượng từ đất ở, đất vườn và thậm chí chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở... Đất ở ông bà, cha mẹ tách thửa chia cho con cái trong thời điểm đã có quy hoạch nên chưa bảo đảm về điều kiện cấp quyền sử dụng đất.

Mặt khác, địa bàn khu dân cư lại có tỷ lệ cao về đối tượng lao động phổ thông, mức thu nhập và kinh tế gia đình còn khó khăn. Do đó, khi thực hiện chính sách về đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư thì chính quyền thành phố cũng như các đơn vị liên quan xem xét hoàn cảnh thực tế của từng hộ để có chính sách phù hợp; tránh thiệt thòi cho hộ giải tỏa và bảo đảm công tác an sinh xã hội gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nơi dự án triển khai”. (Ông Lê Cư Anh, Bí thư Chi bộ 8 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu)

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.