Gương sáng cựu chiến binh

Giữa bộn bề cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Lê Cao Phẩm, 85 tuổi, ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) vẫn luôn tỏa sáng phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Ông Phẩm quê xã Kỳ Anh, nay là xã Tam Thăng, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mới 15 tuổi, ông đã tham gia các hoạt động kháng chiến tại địa phương như làm giao liên, báo tin, đưa thư. Sau đó, ông gia nhập lực lượng vũ trang của xã, cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Năm 1965, trong một trận chống càn, ông Phẩm bị thương cụt một cánh tay. Vết thương lành, ông tiếp tục công tác địa phương, làm nhiệm vụ cung cấp hậu cần cho lực lượng du kích xã. Ngoài ra, với giọng hát dân ca “trời phú”, đêm đêm ông cùng các cán bộ binh vận bắc loa hướng vào đồn địch, hát những bài hát binh vận, thức tỉnh tinh thần dân tộc của anh em binh sĩ Sài Gòn, vận động được nhiều lính địch đến với hàng ngũ cách mạng, hoặc trở về với gia đình...

Trở về cuộc sống đời thường, giọng hát dân ca của ông Phẩm đã giành được nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn. Hằng ngày, người CCB già thường xuyên nghe đài, đọc báo, theo dõi thời sự, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thành phố. Đồng thời, ông thường xuyên tập thể dục, dáng người rắn chắc, khỏe mạnh và có trí nhớ tốt.

Chính vì vậy, trong các hội thi cụ ông, cụ bà đẹp lão ở quận Liên Chiểu, ông Phẩm đã giành nhiều giải cao. Đặc biệt, bài hát “Chiến thắng Núi Thành” do ông tự biên tự diễn theo thể dân ca được đông đảo công chúng khen ngợi. Trong một lần ông Phẩm điều trị bệnh tại Khoa Nội Lão (Bệnh viện C Đà Nẵng) gần đây, tiếng hát của ông cuốn hút bao bệnh nhân và thầy thuốc. Cứ chiều chiều, từ giường bệnh của ông lại ngân lên những làn điệu dân ca: “Dòng máu Bác Hồ”, “Buổi tiễn đưa”, “Quảng Nam tung cánh chim bằng”...       

Giữa lo toan thường nhật, ông Phẩm vẫn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Những năm công tác tại Nhà máy Cơ khí Đà Nẵng sau ngày đất nước thống nhất, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xông xáo, sâu sát thực tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cán bộ chuyên trách quản lý nhân lực. Về hưu, ông Phẩm hăng hái tham gia công tác địa phương, được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 19, chi hội trưởng người cao tuổi khu dân cư Quang Thành 4A5. Ông đã xây dựng tổ dân phố 19 trở thành một trong những tổ dẫn đầu thi đua toàn phường, đưa phong trào Tuổi cao gương sáng của khu dân cư Quang Thành 4A5 đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.     

Không chỉ lo vác tù và, đối với gia đình, ông Phẩm hết mực coi trọng việc nuôi dạy, giáo dục con cái. Các con của ông đều cố gắng, siêng năng lao động, bền bỉ phấn đấu vượt khó vươn lên và tự giác thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân. Ông thường khuyên dặn các con, mình là gia đình chính sách phải gương mẫu trong các hoạt động ở khu dân cư. Bình xét thi đua hằng năm, ông Phẩm liên tục đạt danh hiệu “Người thương binh cách mạng kiểu mẫu”.     

 
Ngày ngày, CCB Lê Cao Phẩm vẫn miệt mài với bao công việc lặng thầm, có ích cho cộng đồng. Mới đây, Hội đồng họ Lê Quảng Nam - Đà Nẵng trích quỹ hỗ trợ một số hộ khó khăn, trong đó có ông Phẩm, nhưng người CCB già kiên quyết từ chối. “Mình đã có lương hưu và chế độ thương binh, xin nhường phần hỗ trợ ấy cho những người khó khăn hơn!”, ông Phẩm nói.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.