* Nhiều phương án ứng phó với bão số 6 đã được các lực lượng chức năng chuẩn bị. Quân khu 5 đã điều cả xe bọc thép sẵn sàng đến các vùng nguy hiểm, bị chia cắt trong bão.
Ngày 10-11, thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, đơn vị đã huy động 562 canô, xuồng, 638 ôtô các loại, 26 xe đặc chủng, xe chỉ huy, xe thông tin để giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Xe bọc thép BRDM - 2 được điều động đến Bình Định sáng 10/11. Ảnh: VnExpress |
Trong đó, 10 xe bọc thép BRDM - 2 được chia ra nhiều địa phương, sẵn sàng chờ lệnh ứng cứu khi có tình huống xấu. Loại xe bọc thép này nặng gần 8 tấn; dài gần 6 m; rộng gần 2,4 m; cao 2,3 m; sức chứa hơn 10 người cùng hàng hóa; có khả năng lội nước để vào vùng ngập lụt, chia cắt.
Quân khu 5 đã lập hai trạm chỉ huy tiền phương ở Bình Định và Quảng Nam để chỉ huy 100% chiến sĩ ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẵn sàng ứng phó bão; huy động 56.000 chiến sĩ, dân quân tự vệ, giúp di dời 5.500 hộ dân với trên 35.000 người, thông báo hướng dẫn cho 34.000 phương tiện về nơi tránh trú an toàn.
Đại tá Phạm Hữu Lộc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay đã tổ chức bốn đội ở TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, trang bị xe thiết giáp để giúp dân trong tình huống xấu.
Ứng phó bão số 6, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ, với tổng số 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất. Đồng thời có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (11-11).
* Tỉnh Khánh Hoà di dời dân khỏi nơi nguy hiểm
Đầu giờ chiều nay (10/11), Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác sơ tán dân tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị thành phố Nha Trang di dời người dân ra khỏi vùng xung yếu. Ảnh: VOV |
Đoàn đã đến kiểm tra khu vực Xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Đây là khu vực từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vào năm 2018 khiến 10 người dân bị thiệt mạng. Tại đây hiện có 200 hộ dân phải di dời, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, từ sáng nay, chính quyền đã nhiều lần lên vận động, đốc thúc dân di dời đến nơi an toàn. Đến trưa nay, hầu hết bà con đã di dời đến nơi an toàn tại nhà người quen, trụ sở các thôn. Hiện chỉ còn khoảng vài chục hộ nữa cũng đang chuẩn bị di dời.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu chính quyền địa phương di dời dân khỏi nơi nguy hiểm.
Theo dự báo, sẽ có mưa lớn, thời tiết cực đoan. Chính quyền xã Phước Đồng cũng như các địa phương khác trong tỉnh Khánh Hòa cần kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tránh để người dân bị ảnh hưởng tính mạng do lũ ống, lũ quét khi có mưa lớn.
"Có hiện tượng gió, bão, thiên tai chúng ta phải chủ động, làm thế nào phải đảm bảo an toàn, không để thảm kịch như năm ngoái diễn ra. Dứt khoát không để lũ ống và lũ quét gây chết người. Còn lũ ống, lũ quét có thể xảy ra vì mưa to cực đoan, liên tục".
* Bình Định sơ tán gần 10.000 dân đến nơi an toàn
Đến trưa 10-11, ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão số 6.
Người dân khẩn trương gia cố tạm kè bờ biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bão số 5 đánh sập gần 100m. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN) |
Đến trưa 10-11, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão. Ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn chưa triển khai di dời dân, còn lại tất cả 9 huyện, thành phố khác trong tỉnh Bình Định đều đã đưa dân đến nơi an toàn.
Tỉnh cũng đã huy động trên 3.700 cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng… cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 5 xuống các địa phương ven biển, vùng xung yếu để hỗ trợ dân trong cơn bão số 6.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã hoàn thành việc thiết lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu tại Bình Định để làm nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 6. Đã có 638 phương tiện được huy động, trong đó có 28 xe đặc chủng có thể đi được trong bão.
Bộ Quốc phòng cũng đã điều động 9 tàu cảnh sát biển và 4 tàu hải quân đến vùng biển Nam Trung Bộ để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong tình huống khẩn cấp trên biển.
Các lực lượng vũ trang huyện, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích tại các địa phương đã tập trung giúp dân thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa và hỗ trợ sơ tán người dân.
Trong số các địa phương phải di dời dân, nhiều nhất là huyện Hoài Nhơn với 1.798 người phải di dời đến những ngôi nhà kiên cố, những vùng cao để tránh bão.
Phó Phủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có dân được di dời khẩn cấp. Tại các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Châu Bắc, thị trấn Tam Quan… có nhiều khu dân cư nằm trong vùng xung yếu, các cơ quan chức năng đã di dời hết những hộ dân tại đây. Đối với người nuôi hải sản bằng lồng bè trên biển, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu vào bờ tránh bão.
Trong sáng 10-11, người dân vùng ngập trũng nằm giữa đầm Thị Nại, thuộc huyện Tuy Phước phải khẩn cấp di dời tránh bão. Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho hay: “Xã có 93 hộ nằm trong diện phải di dời. Sáng nay, lực lượng xung kích, bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy quân sự tỉnh đến hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi ở an toàn. Các hộ dân phải di dời đã đến nơi an toàn trước 10 giờ”.
Đến 13 giờ ngày 10-11, Chính quyền huyện Phù Cát vẫn đang vận động một chủ tàu sắt neo đậu trên khu vực biển Đề Gi về để đưa tàu đến nơi an toàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên nói: Vùng xung yếu nhất, dễ xảy ra thiệt hại nhất trong cơn bão số 6 này của huyện Phù Cát là vùng biển Đề Gi và khu vực Cầu Gành, xã Cát Minh. Ngoài chủ tàu sắt trên, toàn bộ 22 hộ dân vùng Cầu Gành và những nơi khác đều đã được đưa đến nơi an toàn.
Toàn huyện Phù Cát đã di dời 1.775 nhân khẩu khỏi vùng xung yếu, dễ xảy ra sạt lở như thôn Trung Lương, xã Cát Tiến; Đại Lợi Nam, xã Cát Nhơn…
Tại huyện miền núi An Lão, khi mưa lớn dễ xảy ra lũ quét và ngập lụt nhiều nơi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão Phạm Văn Nam cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã cử lực lượng cứu hộ và công an ứng trực hai bên đầu cầu An Liên đã bị sập. Đây là cây cầu đã bị gãy nhịp từ năm trước và gãy thêm 2 nhịp trong cơn bão số 5 vừa qua.
Cầu An Liên bắc qua sông An Lão, nối hai xã An Dũng và An Vinh. Các lực lượng chức năng sẽ góp phần giúp người dân qua lại cầu tạm khi mưa lũ chưa lớn và ngăn chặn người dân qua lại khi lũ lớn. Tại những vùng có nguy cơ ngập lụt, chính quyền địa phương đã vận động người dân lùa toàn bộ đàn đại gia súc lên những vùng đất cao và đến ở tạm trong những ngôi nhà có gác chống lũ.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.600 tàu thuyền đang neo đậu trong các cảng, vịnh biển; trong đó 53 tàu neo đậu tại vùng cảng Quy Nhơn; 5.594 tàu thuyền neo đậu tại các bến cá, cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Đạm Thủy, Vĩnh Lợi, Tam Quan. Ngoài ra, còn có 132 tàu thuyền ngoài tỉnh đang neo đậu trong các vùng biển Bình Định với 811 người.
Trong ngày 10-11, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng chính quyền các cấp tiếp tục ráo riết đến các vùng xung yếu để chỉ đạo các lực lượng và vận động, động viên người dân phòng, tránh bão.
Cũng trong ngày 10-11, đã có 400 du khách rời khỏi tỉnh Bình Định, còn lại 1.200 du khách ở lại trong thời gian có bão số 6. Xã đảo Nhơn Châu và những làng biển Nhơn Hải không có du khách lưu trú trong thời gian này.
* Quảng Ngãi đang mưa to gió mạnh, Phú Yên lo dân "cố thủ" giữ lồng bè
Tại Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ là địa phương được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất của bão số 6. Do đó, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời dân khu vực ven biển đến nơi an toàn. Trong khi đó Phú Yên lo người dân sẽ ở lại các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú có giá trị cao để giữ tài sản.
Sáng 10-11, tại huyện Đức Phổ đã có mưa to, gió giật mạnh. Các tuyến đê biển "oằn mình" bởi sóng lớn. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND huyện Đức Phổ đã tiến hành di dời dân tại một số khu vực xung yếu.
Trưa 10-11, tại địa bàn xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) đã có gió lớn, sóng biển dữ dội có khả năng uy hiếp nhiều nhà dân ven biển. Ảnh: Dân trí |
Ông Trần Phước Hiền - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, tính đến 12h ngày 10-11, huyện Đức Phổ đã tiến hành di dời gần 300 hộ dân của xã Phổ Thạnh đến nơi an toàn.
Theo kế hoạch, toàn huyện có đến 1.100 hộ dân với 4.000 nhân khẩu phải di dời. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế, huyện quyết định di dời trước gần 300 hộ dân tại xã Phổ Thạnh.
Huyện Đức Phổ đã tiến hành di dời gần 300 hộ dân tại xã Phổ Thạnh đến nơi an toàn. Ảnh: Dân trí |
Ảnh: Dân trí |
Từ chiều đến tối 10-11, các lực lượng chức năng của huyện Đức Phổ tiếp tục ứng trực để sẵn sàng di dời dân nếu tình hình thời tiết phức tạp hơn.
"Đến trưa nay, những hộ dân ở khu vực xung yếu ven biển đã được di dời đến nơi an toàn. Huyện tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra các khu vực xung yếu để kịp thời có phương án hỗ trợ người dân khi cần thiết", Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền thông tin.
* Phú Yên dùng tàu chuyên dụng để cưỡng chế người nuôi thủy sản lên bờ tránh bão
Theo báo cáo của tỉnh Phú Yên, tỉnh này hiện có hơn 10.000 người làm việc, sinh sống trên 91.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển; tập trung ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu, vịnh Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa.
Mỗi bè nuôi tôm hùm thường có từ 4 - 5 người làm việc, nếu không di dời toàn bộ vào bờ sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: Dân trí |
Lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú… có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, là thứ tài sản giá trị nhất của người dân, nên mọi người thường có tâm lý sẽ ở lại bè để bảo vệ tài sản. Đây cũng chính là mối lo lớn nhất của tỉnh Phú Yên trong ứng phó với bão số 6 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
Lồng, bè nuôi tôm hùm có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ảnh: Dân trí |
Tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn giúp người dân hạ lồng bè xuống sâu dưới biển để tránh thiệt hại. Đồng thời yêu cầu người dân phải sơ tán trước 12h ngày 10-11, nếu không tự sơ tán sẽ cưỡng chế di dời toàn bộ vào lúc 14h cùng ngày.
Tại Vịnh Xuân Đài, TX. Sông Cầu nơi có số lượng lồng bè, người nuôi chiếm cao nhất ở tỉnh Phú Yên, không khí chuẩn bị đối phó bão số 6 diễn ra nhanh chóng, người dân tự chủ động hạ lồng bè, cho tôm hùm, cá… ăn, sau đó di chuyển vào đất liền.
Người nuôi khẩn trương cho tôm ăn trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Dân trí |
Kiểm tra, chỉ đạo việc di dời người dân ở vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu lãnh đạo TX. Sông Cầu thực hiện nhanh phương án di dời người dân, nếu không chịu di dời thì phải cưỡng chế.
Ảnh: Dân trí |
"UBND tỉnh đã yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh điều động hai tàu chuyên dụng công suất lớn cùng các tàu của các đồn biên phòng, kiểm ngư đi kiểm tra, đưa người dân vào bờ tránh bão. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế sơ tán ngay. Chậm nhất việc sơ tán người trên bè nuôi thủy sản phải hoàn tất trước 12 giờ ngày 10-11” - ông Thế nói.
Tàu chuyên dụng dùng để cưỡng chế người dân vào bờ tránh bão, nếu không chịu di dời. Ảnh: Dân trí |
Tại Vũng Rô, huyện Đông Hòa, không khí chống bão cũng được diễn ra khẩn trương.
Để đối phó với bão số 6, anh Lưu Văn Út, thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cho biết, ngư dân đã chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ cho các lồng bè nuôi tôm hùm. Khi bão vào, ngư dân sẽ thả chìm các bè tôm xuống sát đáy để tránh bị gió bão quật hoặc mưa lũ làm tôm bị chết vì nước mặn xâm nhập.
Sáng ngày 10-11, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống bão, di dời lồng bè tại khu vực này.
Báo cáo nhanh về tình hình, ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Để đối phó với bão, huyện thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tại các khu vực xung yếu có nguy cơ triều cường và vùng nuôi thủy sản. Các đoàn công tác đã vận động bà con nuôi thủy sản phải vào bờ trước 12h ngày 10-11.
“Trong trường hợp phát hiện còn người nào trốn tránh tại lồng bè trước khi bão vào, huyện sẽ cưỡng chế và áp tải vào bờ trước 14h ngày 10-11. Mục tiêu huyện đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, không để trường hợp nào còn ở lại trên bè khi bão đổ bộ vào” - ông Tiến cho hay.
Ông Phạm Đại Dương (giữa) yêu cầu phải cưỡng chế người dân ở vùng xung yếu nếu không tự di dời. Ảnh: Dân trí |
Sau khi nghe huyện Đông Hòa báo cáo, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo, lãnh đạo huyện phải trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu; phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm ngư kiên quyết sơ tán dân từ các khu vực nuôi trồng thủy sản vào bờ an toàn. Nếu trường hợp nào cố tình trốn tránh, huyện kiên quyết cưỡng chế không được để một trường hợp nào ở trên lồng bè khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền.
* Bão số 6 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa
Hồi 17 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, chiều tối 10-11, bão số 6 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa gây gió mạnh và mưa lớn.
Do mưa lớn với lượng hơn 20mm đã khiến cho một số tuyến đường ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị ngập. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN) |
Hồi 17 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 13.
Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 10.
Từ 16 giờ ngày 11-11 đến 4 giờ ngày 12-11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông trong tối 10-11 còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7 m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6 m. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm 10-11, ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5-2,5 m.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ tối 10-11 đến ngày 12-11, ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng từ 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa từ 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc từ 100-200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3./.
Theo TTXVN - VOV - Dân trí - VnExpress