Tăng cường trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy

.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13-11, Quốc hội nghe báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462 hécta rừng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu là khu vực thành thị khi chiếm 60,11% và có tới 5.636 số vụ cháy là tại nhà dân, chiếm 42,86%. Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 6.458 vụ, chiếm 57,27%; do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ, chiếm 29,18%.

Cháy lớn dù chỉ có 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, song gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như vậy, song theo báo cáo của Chính phủ, đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Nổi lên là nhiều cơ sở như các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó.

Nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế. Hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo đại biểu trước tiên là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”.

Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.

Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Theo đại biểu, chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn.

Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Đại biểu cho rằng, hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), báo cáo giám sát cho thấy hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhiều héc-ta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi.

Thiệt hại là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước trong PCCC? Đại biểu cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý Nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC.

Trong nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát lần này, cần có hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là trong thực thi công vụ trong PCCC. “Chỉ có giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh mới khắc phục được những tồn tại như báo cáo đã nêu”, đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

B.T tổng hợp
 

;
;
.
.
.
.
.