(Tiếp theo kỳ trước)
Thời gian qua, việc triển khai các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương được các cấp ủy Đảng trên địa bàn thành phố cụ thể hóa kịp thời bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể. Các cấp ủy chủ động rà soát các quy định, quy chế làm việc tại địa phương, đơn vị mình để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, hằng năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ bảo đảm khoa học, hợp lý. Nhìn chung, các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương khá nghiêm túc, đầy đủ, từng bước đổi mới để sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG THÀNH PHỐ
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của cấp ủy cấp trên và ban hành văn bản của Đảng
1.1. Đối với việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy cấp trên. Việc triển khai các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương được các cấp ủy đảng cụ thể hóa kịp thời bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể. Các cấp ủy đảng đã chủ động rà soát các quy định, quy chế làm việc tại địa phương, đơn vị mình để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, hằng năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ bảo đảm khoa học, hợp lý. Nhìn chung, các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận…của Trung ương khá nghiêm túc, đầy đủ, từng bước đổi mới; đặc biệt là thông qua hình thức học nghị quyết đã nâng cao nhận thức, qua đó tập trung triển khai thực hiện để sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
1.2. Đối với công tác xây dựng và ban hành văn bản của Đảng. Các cấp ủy Đảng luôn nêu cao nhận thức và trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác cải cách hành chính. Công tác xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo của Đảng từng bước được chuẩn hóa, góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Quy trình xây dựng, xử lý văn bản được cải tiến theo hướng mở rộng dân chủ, minh bạch, nhiều văn bản quan trọng được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chuyên môn, các đồng chí Thành ủy viên, cấp ủy các cấp nên bảo đảm nội dung và tính khả thi khi ban hành.
2. Cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng. Một số đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã xây dựng, ban hành và triển khai bước đầu Đề án Cải cách hành chính trong Đảng. Tại mỗi cơ quan ở các cấp ủy, trình tự thủ tục giải quyết công việc được rà soát theo hướng tinh gọn; bổ sung, sắp xếp theo hướng khoa học, đơn giản, dễ triển khai, đánh giá hiệu quả thực hiện.
Các hội nghị, cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy được đổi mới, tổ chức chuyên nghiệp, hầu hết các tài liệu phục vụ đều được gửi cho các đại biểu, thành phần dự họp trước ít nhất 3 ngày làm việc để đại biểu nghiên cứu, vì vậy phần lớn thời gian tại cuộc họp, hội nghị dành để trao đổi, thảo luận nên chất lượng của các chủ trương, quyết sách đưa ra bảo đảm phù hợp thực tế địa phương. Việc thể chế sự chỉ đạo bằng văn bản kịp thời và chuẩn xác hơn, các thông báo kết luận cuộc họp của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trì được ban hành ngay sau cuộc họp hoặc trong vòng 2 ngày làm việc sau cuộc họp.
Công tác kiểm tra, thẩm định nội dung, hình thức văn bản được bảo đảm thực hiện, các văn bản không phù hợp được rà soát bãi bỏ. Cải thiện, nâng cao chất lượng tham mưu và thực hiện các quy trình trong công tác xây dựng Đảng; đổi mới cách quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, nghiệp vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản quy định của cấp trên.
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, đơn thư của tổ chức, cá nhân gửi đến các cơ quan Đảng được xử lý kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để trả lời ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân hoặc hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng giải quyết đúng thẩm quyền và quy định. Công tác văn thư, lưu trữ tiếp tục được nâng cao chất lượng, bảo đảm quản lý an toàn tuyệt đối, bí mật tài liệu của các cơ quan cấp ủy, phục vụ việc tra cứu tài liệu thuận lợi và nhanh chóng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin gửi nhận văn bản qua mạng được tăng cường, hiện nay có trên 80% các văn bản theo quy định đã được gửi qua đường mạng. Ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan Đảng được triển khai từ năm 2018, giảm đáng kể việc phát hành văn bản giấy.
Nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy và các đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã xây dựng các quy định, lập bộ quy trình nghiệp vụ chuyên môn tại mỗi cơ quan, đơn vị để triển khai công việc được thuận lợi. Trong đó, Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng và ban hành 53 quy trình nghiệp vụ chuyên môn. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xây dựng các quy chế, quy định về chế độ làm việc của cơ quan, các quy trình công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu tổ chức quán triệt, định hướng tuyên truyền các văn kiện của Đảng có trọng tâm, trọng điểm; tham mưu chỉ đạo quản lý và kiểm duyệt nội dung tuyên truyền các cơ quan, thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố phù hợp với chủ trương của lãnh đạo thành phố. Ban Nội chính Thành ủy tham mưu xây dựng và ban hành các quy định về việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, các quy chế làm việc, bảo vệ bí mật Nhà nước. Ban Dân vận Thành ủy triển khai các quy trình liên quan đến công tác dân vận, công tác vận động quần chúng nhân dân trong việc tham gia phản ánh, kiến nghị với tổ chức Đảng, Nhà nước, tham gia phản biện xã hội.
Văn phòng Thành ủy đã tổng hợp, tham mưu xây dựng chương trình công tác hằng năm, tháng, tuần của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, bảo đảm khoa học.
Rà soát và cải tiến quy trình tiếp nhận, xử lý văn bản, hồ sơ tiếp nhận qua Văn phòng Thành ủy; quy trình xây dựng, thẩm định và trình văn bản; quy trình tổ chức các hội nghị, cuộc họp bảo đảm chu đáo, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trường Chính trị thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, quy chế nghiên cứu thực tế của giảng viên, học viên; Báo Đà Nẵng triển khai thực hiện tốt công tác phân loại và chuyển tin, bài của cộng tác viên cho các phòng chuyên môn ngay trong ngày, kịp thời xử lý ý kiến, đơn, thư khiếu nại gửi đến Báo. Các quận ủy, huyện ủy có nhiều cải tiến trong quy trình công tác trên tất cả các lĩnh vực theo hướng khoa học, ban hành quy trình xây dựng và thẩm định văn bản trình, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ công việc của các tổ chức, cá nhân, quy trình tổ chức hội nghị, cuộc họp của các cấp ủy. Các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy... đã triển khai nhiều giải pháp nhằm rút ngắn các thủ tục hành chính trong Đảng tại đơn vị, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác.
3. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Đảng được triển khai sâu rộng, tạo được bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, giúp thúc đẩy công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy Đảng. Về hạ tầng CNTT đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hoạt động ổn định, an toàn, an ninh và cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công việc hằng ngày tại các đơn vị. Đến nay, 100% đảng ủy phường, xã đã có mạng máy tính cục bộ (mạng LAN) và kết nối với quận, huyện ủy; 100% các cơ quan đảng thuộc Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã có mạng LAN kết nối với mạng diện rộng của Đảng trên đường truyền số liệu chuyên dụng.
Từ năm 2015 đến nay đã trang bị 2 bộ thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến và chính thức đưa vào sử dụng trong các buổi hội nghị trực tuyến do các cơ quan Đảng ở Trung ương tổ chức. Trung tâm dữ liệu của Thành ủy xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT trong mọi mặt công tác. Về các chương trình ứng dụng: các chương trình, ứng dụng, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung do các cơ quan Trung ương chuyển giao được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các đơn vị như phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm kế toán IMAS, phần mềm quản lý đảng phí, hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes 8.5. Đến nay đã áp dụng chữ ký số trong việc phát hành văn bản trên mạng thông tin diện rộng của Đảng đối với một số văn bản không mật theo quy định của Văn phòng Trung ương.
Về nhân lực, các cơ quan Đảng đều có cán bộ chuyên trách CNTT. Tổng số cán bộ, chuyên viên phân theo cấp độ kỹ năng tin học thì có đến trên 83,6% biết sử dụng máy vi tính khai thác thông tin, truy cập internet, chỉnh sửa văn bản, sử dụng các ứng dụng thông thường soạn thảo văn bản hay sử dụng các ứng dụng dùng chung của khối Đảng. Số còn lại biết sử dụng máy tính, khai thác thông tin trên internet, sử dụng thư điện tử chiếm 16,4%. Nhìn chung, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Đảng các cấp, tạo chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng và từng bước giúp thay đổi phong cách, lề lối làm việc trong các cơ quan Đảng.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN 1. Đối tượng nghiên cứu đề án: Các nội dung của công tác cải cách hành chính trong Đảng, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại các cơ quan Đảng trên địa bàn thành phố, vận dụng phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của Đảng bộ thành phố. 2. Phạm vi nghiên cứu của đề án. Về nội dung: Đề án nghiên cứu, đánh giá thực trạng chung công tác cải cách hành chính trong hoạt động của các cơ quan Đảng thuộc Đảng bộ thành phố (bao gồm các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở) trên các lĩnh vực: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của cấp ủy cấp trên và ban hành văn bản triển khai thực hiện; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy, cán bộ và việc tinh giản biên chế; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính; Một số nhiệm vụ về công tác tài chính Đảng. Trong đó, tập trung chủ yếu là công tác cải cách thủ tục hành chính và việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại các cơ quan Đảng thành phố. Về không gian, Đề án nghiên cứu và triển khai thực hiện trong các cơ quan Đảng thuộc Đảng bộ thành phố, gồm cấp ủy, tổ chức Đảng từ thành phố đến cơ sở. Về thời gian, Đề án triển khai trong giai đoạn 2020-2025, bảo đảm phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố; thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung triển khai một số nhiệm vụ để khởi động Đề án, trọng tâm là công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện Đề án trong cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức Đảng và việc cụ thể hóa Đề án bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể của các cấp ủy, tổ chức Đảng từ thành phố đến cơ sở, nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả. Việc xây dựng và triển khai Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ thành phố trong giai đoạn hiện nay nhằm triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo và xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng thành phố; trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, minh bạch, đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính, mang tính chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. |
(Còn nữa)