Ngày 11-12, kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa IX tiếp tục phiên thảo luận và tiến hành chất vấn dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. Tại kỳ họp, nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra để thành phố tăng trưởng GRDP đạt mức 9% trong năm 2020.
Đại biểu Trần Thắng Lợi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Lập Tổ công tác hỗ trợ giải ngân 14.300 tỷ đồng vốn đầu tư công
Các đại biểu (ĐB) HĐND thành phố đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 8 lần so với năm ngoái, thu ngân sách đạt khá và vượt chỉ tiêu giao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD. Đầu tư cho văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm hơn. Tuy nhiên, các đại biểu nêu ý kiến lo ngại về tăng trưởng GRDP năm 2019 của thành phố chỉ đạt 6,47% so với chỉ tiêu giao là 8-9%.
Theo ĐB Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, dự kiến chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2020 của thành phố là 9% là khá cao. ĐB Trần Đình Hồng đề xuất thành phố tích cực tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định về các cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. HĐND thành phố cần có một kỳ họp nhằm rà soát, điều chỉnh hợp lý, có tính khả thi cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là làm sao để công tác điều hành ngân sách trong vấn đề giải ngân 14.300 tỷ đồng đầu tư công của năm 2020 đạt được hiệu quả cao nhất.
ĐB Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đề nghị thành phố cần thành lập Tổ công tác đặc biệt tham mưu giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư; trong quy trình thủ tục; các vấn đề về năng lực nhà thầu, năng lực của các Ban quản lý dự án…để góp phần giải ngân 14.300 tỷ đồng đầu tư công của năm 2020. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tạo điều kiện về mặt bằng cho nhà đầu tư, đồng thời tiếp tục rà soát việc sử dụng đất trong các khu công nghiệp thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích và công khai cho các nhà đầu tư có nhu cầu. ĐB Võ Văn Thương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đồng tình với ý kiến lập Tổ công tác đặc biệt về công tác này hoặc HĐND thành phố phải có một chương trình giám sát chuyên đề về công tác giải ngân vốn. Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Trần Phước Sơn cam kết sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, bố trí đủ vốn, đúng tiến độ cho các công trình, dự án đã hoàn thành thủ tục.
Tại phiên thảo luận, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm giải trình một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của sở. Theo đó, Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã tiến hành xong 3/5 giai đoạn, dự kiến sẽ trình HĐND thành phố thông qua vào tháng 2-2020. Trong đó, Sở Xây dựng đề xuất điều chỉnh về quy hoạch hạ tầng thiết yếu của khu dân cư.
Hiện thành phố hiện có khoảng 500 dự án treo và chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người dân. Về việc xử lý công trình sai phạm tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà, Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo quận Ngũ Hành Sơn xây dựng kế hoạch thực hiện tháo dỡ phần xây dựng vi phạm pháp luật triển khai từ tháng 2-2020 và hoàn thành trong tháng 10-2020; tham mưu UBND thành phố có ý kiến với Bộ Xây dựng về xử lý những vấn đề liên quan đến căn hộ condotel trên địa bàn thành phố. Ngoài các vấn đề trọng tâm nêu trên, các ý kiến thảo luận đề cập vấn đề phát triển hạ tầng giao thông nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, công tác đào tạo nghề, môi trường, kỷ cương hành chính… Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch HDNĐ thành phố Nguyễn Nho Trung đánh giá cao các ý kiến thảo luận bàn các giải pháp để thành phố hoàn thành chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020. “Tôi đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến đề xuất của đại biểu, nghiên cứu cụ thể hóa thành giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2020”, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Giải quyết những vấn đề “nóng” của từng ngành
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri thành phố. Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Thắng Lợi, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hoạt động du lịch về đêm có những khó khăn như các dịch vụ ẩm thực chưa nhiều, dịch vụ mua sắm nhỏ, rải rác và chưa có quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi, giải trí về đêm; thiếu cơ chế khuyến khích để phát triển du lịch về đêm. Theo bà Hạnh, để tháo gỡ những khó khăn này cần các giải pháp như: khẩn trương hoàn thiện khu phố du lịch An Thượng tại quận Ngũ Hành Sơn; tổ chức phố đi bộ trên tuyến đường Bạch Đằng; triển khai thêm các hoạt động về đêm tại cầu Nguyễn Văn Trỗi; đồng thời đề xuất cơ chế hoạt động du lịch qua 24 giờ đêm.
Trả lời chất vấn về quy hoạch cụm công nghiệp và chậm triển khai các dự án, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, khó khăn lớn nhất là do công tác giải tỏa mặt bằng chậm, trách nhiệm thuộc về Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện. Sắp đến, thành phố sẽ sắp xếp, đánh giá hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Bắc cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tận dụng các hiệp định thương mại, các quy định về thuế suất tạo sức cạnh tranh về giá hàng hóa, giải quyết thủ tục nhanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về vai trò của lực lượng Quản lý thị trường đối với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Hà Bắc cho biết, lực lượng Quản lý thị trường thành phố thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, bảo đảm chất lượng.
Trả lời chất vấn về các công trình thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng khẳng định, tất cả các công trình thiết chế văn hóa đều hoạt động phát huy hiệu quả. Nhà hát Trưng Vương sau khi thực hiện theo mô hình tự chủ đã tạo ra nguồn thu ổn định từ việc cho thuê để tổ chức các chương trình. Theo ông Hùng, văn hóa đọc của người dân thành phố đã tăng mạnh. Ở nhiều thời điểm, thư viện của thành phố đã quá tải, không còn chỗ ngồi cho người dân đến đọc sách. Vì vậy, đề nghị thành phố nên dành quỹ đất để đầu tư xây dựng thêm một thư viện nữa để thu hút người dân và du khách đến với thư viện.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch giúp Đà Nẵng thu hút khách. (Ảnh minh họa). Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan khu du lịch Bà Nà Hill. Ảnh: THU HÀ |
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố về đề nghị thành phố nên xây dựng 1 nhà hát tuồng quy mô hơn, ông Hùng cho rằng, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nằm ở vị trí đẹp, nhưng khá chật hẹp, giao thông khó khăn, vì vậy nên chăng thành phố cần lựa chọn địa điểm để xây dựng một Nhà hát tuồng khang trang và quy mô hơn. Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho biết, thành phố luôn quan tâm đầu tư cho ngành văn hóa, ngay cả trụ sở HĐND cũng chuẩn bị được đầu 500 tỷ đồng để làm bảo tàng, cũng là đầu tư cho văn hóa. “Cái gì thuộc về di tích thì phải bảo tồn và tôn tạo. Chứ đánh mất văn hóa là đánh mất hết”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của ĐB Phùng Phú Phong, Phó ban Đô thị HĐND thành phố liên quan đến các dự án của ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, hiện ngành y tế có 3 công trình trọng điểm gồm: công trình Trung tim mạch giai đoạn 2, Trung tâm phẫu thuật thần kinh chấn thương và tạo hình, Trung tâm ghép tạng. Tuy nhiên, đến nay cả 3 công trình này đều chậm từ 1-3 tháng theo tiến độ đề ra. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, bệnh viện đang quá tải từng ngày, mỗi giường bệnh có 2 đến 3 người bệnh nằm chung. Ông Trung yêu cầu các Ban quản lý dự án có liên quan tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện dự án kịp tiến độ trong thời gian đến.
Về tình trạng quá tải ở các bệnh viện, bà Yến cho biết, thời gian qua ngành Y tế đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị nên đã nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở các bệnh viện là điều khó tránh khỏi, vì hiện nay các bệnh viện ở Đà Nẵng không chỉ phục vụ khám bệnh cho người dân thành phố mà các tỉnh lân cận đến khám ngày càng tăng cao. Để giảm quá tải, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh ở các quận, huyện nhằm giảm tình trạng vượt tuyến.
Đầu tư cho giáo dục, y tế ĐB Lê Xuân Hòa, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cần bố trí đủ đất cho hạ tầng xã hội thiết yếu, đặc biệt là đất dành cho giáo dục và y tế. Vì hai lĩnh vực này rất quan trọng và cần thiết trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố cho những giao đoạn tới. ĐB Võ Văn Thương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đề nghị thành phố phải quan tâm bổ sung quỹ đất dành cho giáo dục vì hiện nay quỹ đất dành cho giáo dục của thành phố mới đạt 1/10 theo quy hoạch sử dụng đất. |
NHÓM PV THỜI SỰ