Những ngày cuối năm, đi trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần cầu Thuận Phước, rất dễ bắt gặp hình ảnh một phụ nữ trùm kín đầu, địu đứa trẻ sau lưng tay cầm bao ni-lông to, vạch từng đám cỏ lau để tìm vỏ chai nhựa. Chú ý sẽ thấy đứa bé trên lưng mẹ mặt mày tái mét vì lạnh.
“Ông bố” bán vé số với đứa trẻ ngủ trước ngực nên được nhiều người mua ủng hộ. |
Hỏi thì người phụ nữ này kể: “Tôi từ A Lưới (Thừa Thiên Huế) vào đây phụ việc nhà cho người ta, nhưng do có mang theo con nhỏ nên họ cho tôi nghỉ, cả tuần này tôi lang thang lượm chai nhựa để mua cơm. Mỗi ngày như vậy tôi kiếm được từ 20.000 - 40.000 đồng”. “Như vậy thì sao đủ sống”, chúng tôi hỏi thêm thì người phụ nữ thật thà trả lời: “Nhờ con nhỏ địu theo, người ta thương cho người ít đồng nên cũng đủ cho hai mẹ con qua ngày, chứ lượm chai nhựa không thì sao đủ sống”.
Cũng “mượn” trẻ con để đánh động lòng trắc ẩn nhằm xin tiền là chiêu của một “ông bố” còn khá trẻ thi thoảng cũng xuất hiện trên các tuyến đường ở quận Hải Châu. Với xấp vé số trên tay, còn phía trước ngực là đứa trẻ quặt quẹo ngủ li bì, người đàn ông kiên trì đến từng bàn khách uống cà-phê mời mua vé số. Và cũng có lẽ nhờ có em bé mà có khá nhiều người mua vé ủng hộ, thậm chí còn cho ít tiền để “bé uống sữa”.
Đem hai câu chuyện thương tâm trên trao đổi với một thành viên của tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, gọi tắt là tổ 550), thành viên này nhận định: Đây có thể nói là chiêu mới của dạng ăn xin biến tướng ở thành phố hiện nay. Nếu như trước đây những đối tượng này thường đóng giả người tu hành đi hành khất hoặc người khuyết tật nặng để ăn xin, thì gần đây họ lại chuyển qua cách sử dụng trẻ em như cách lấy lòng thương của mọi người. Các đối tượng thường núp dưới dạng bán vé số hoặc lượm ve chai, đặc biệt là họ không bao giờ hoạt động cố định nên việc phát hiện của cơ quan chức năng khá khó khăn.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, tổ 550 đã tiếp nhận 475 thông tin của người dân, tổ chức thông báo về người lang thang ăn xin trên địa bàn thành phố. Qua công tác kiểm tra, phân loại xử lý đã vận động 87 người trở về địa phương; 65 người được gia đình tiếp nhận về gia đình, chuyển 115 người vào Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố, 68 người đưa vào Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, còn lại chuyển ra khỏi địa phương nơi tiếp nhận ban đầu. Đây là kết quả của sự phối hợp khá tốt giữa các địa phương, lực lượng công an và tổ 550 quận, huyện và thành phố, luôn bảo đảm người trực tiếp nhận và xử lý thông tin 24/24, đặc biệt trong những dịp lễ, hội…
Mặc dù vậy, theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, công tác xử lý những đối tượng lang thang xin ăn biến tướng vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết, phải kể đến nguồn nhân lực cho công tác là khá mỏng, nên việc bảo đảm trực 24/24 giờ không dễ dàng. Trong năm 2018, do yêu cầu tinh giản bộ máy, hiện chỉ còn lại có 6 người phụ trách lĩnh vực này nên rất vất vả.
Lực lượng phối hợp với tổ 550, chủ yếu vẫn là công an địa phương khá bận rộn nên còn ít thời gian cho công tác xử lý ăn xin biến tướng... Công tác tạm trú tạm vắng tại các địa phương vẫn còn bất cập. Đối với trường hợp trẻ em lang thang xin ăn thì các cơ quan chức năng cũng gặp lúng túng, do quy định hiện hành là thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em lang thang xin ăn ở các cơ sở xã hội không được quá 3 tháng. Thực tế, có không ít trường hợp trẻ em lang thang xin ăn bị tạm giữ đủ thời gian 3 tháng buộc phải thả, ngay lập tức, các em lại đi lang thang xin ăn. Nếu có khác chăng chỉ là các em đổi các “hành nghề” và đổi địa bàn hoạt động. Điều này khiến công việc của tổ 550 chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”.
Cũng theo ông Thái Đình Hoàng, để công tác xử lý người lang thang xin ăn biến tướng trên địa bàn có kết quả ổn định, rất cần bổ sung thêm lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ này, mà cụ thể là ở tổ 550 thành phố và quận, huyện. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các đơn vị, các ngành liên quan như công an, du lịch, văn hóa, thể thao và các địa phương...
Bài và ảnh: THANH VÂN