KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2020)

Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới

.

Công cuộc đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài 1: Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới

Trong hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã sớm xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Vì thế, lẽ tự nhiên, sau khi kết thúc thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1975), Đảng ta đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, chấn hưng đất nước.

Đảng đã tạo lập và hoàn thiện các mô hình phát triển, tạo nên cơ đồ và vị thế để đất nước đổi mới thành công. 									          Ảnh: XUÂN SƠN
Đảng đã tạo lập và hoàn thiện các mô hình phát triển, tạo nên cơ đồ và vị thế để đất nước đổi mới thành công. Ảnh: XUÂN SƠN

Là một nước nghèo, vừa thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cũng như nhiều nước khác có lý do để áp dụng mô hình và cách làm - một thời có hiệu quả của Liên Xô trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước - mô hình kinh tế kế hoạch tập trung.

Trên thực tế, mô hình, cách làm này đã đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong điều kiện đất nước có chiến tranh (1954-1975 ở miền Bắc). Nhưng khi thực tiễn đã đổi thay, mô hình này dần dần bộc lộ những khuyết tật của nó, mà biểu hiện rõ nhất là việc các chủ thể cầm quyền phạm phải những sai lầm, bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội không tôn trọng quy luật khách quan, không chú ý đến tính đặc thù trong phương thức và con đường phát triển mang tính dân tộc và thời đại...

Dũng cảm nhận ra sự thật của những vấp váp, sai lầm ấy, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã kịp thời phát hiện: “Trong nhận thức cũng như trong hành động chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta đang tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Để khắc phục những khuyết điểm ấy, Đảng đã chỉ rõ: “Quá trình từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hóa nền kinh tế còn nhiều tính tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa... việc sử dụng đầy đủ và đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ trong kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân là một tất yếu khách quan... việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ đòi hỏi sản xuất phải gắn với thị trường”.

Có thể nói, đó là bước khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy kinh tế của Đảng sang hướng xây dựng, phát triển kinh tế thị trường. Việc xem đổi mới, trước hết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, qua thực tiễn cho thấy đây là cách tiếp cận chính xác - khoa học của Đảng ta, là khâu đột phá về nhận thức luận, phương pháp luận của chủ thể lãnh đạo công cuộc đổi mới.

Theo tinh thần đó, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để làm tròn vai trò nhân tố lãnh đạo, đòi hỏi Đảng phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến việc xác lập một mô hình phát triển và triển khai có hiệu lực, hiệu quả mô hình trong thực tiễn.

Nắm vững phép biện chứng duy vật, biết kế thừa những thành tựu của nhân loại trong tiến trình phát triển, biết sử dụng những hình thức trung gian quá độ để tìm ra những hình thức, bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của dân tộc mình, Đảng đã tạo lập và hoàn thiện dần mô hình phát triển mới; đồng thời tìm được những phương thức huy động các nguồn lực để từng bước hiện thực hóa mô hình đó.

Mô hình phát triển đó được khái quát cô đọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) với 6 đặc trưng cơ bản, sau đó tiếp tục được cụ thể và hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), và hiện nay đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

Cả về lý luận cũng như trên thực tế cho thấy, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện, về cơ bản đã hội tụ trong đó biện chứng của quá trình nhận thức và vận dụng các khả năng của sự phát triển vì sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc trong thế giới có nhiều đổi thay. Trong đó, giải phóng con người, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, vì con người là tư tưởng bao trùm.

Mô hình đó vừa bao hàm tính mục tiêu, vừa phản ánh nhịp điệu, bước đi, phương thức để hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể, trong từng thời kỳ, giai đoạn với những nguồn lực cụ thể. Nhìn tổng thể, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang tập trung tạo lập và phát triển đã hàm chứa trong đó các trụ cột hay động lực cho sự phát triển chung mà thế giới đương đại đều hướng tới là: Nền kinh tế thị trường (định hướng XHCN); thể chế chính trị dân chủ (XHCN) mà cốt lõi là Nhà nước pháp quyền XHCN, trọng dân, gần dân và, xã hội công dân với những thiết chế tổ chức để bảo đảm “dân là chủ, dân làm chủ”.

Có thể khái quát rằng, khởi xướng đổi mới, đặc biệt với việc “lắng nghe dân”, hiểu dân, dũng cảm nhận ra sai lầm trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đảng ta đã thực sự từng bước nâng tầm cả về trí tuệ và bản lĩnh chính trị; cả về năng lực hoạch định quyết sách và phương thức tổ chức thực hiện các quyết sách đó.

Đó là cơ sở khách quan để khẳng định: Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, của nhân dân ta. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới đã tạo nên cơ đồ và vị thế mới để đất nước chủ động hội nhập phát triển.

PGS, TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.