Tạo bước chuyển thực chất trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

.

ĐNO-Sáng 11-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP), với sự tham gia của 63 điểm cầu cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhân sự Nhà nước đối với lĩnh vực ATTP, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP, buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đạt chất lượng.

Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số  đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).

Bộ Y tế cho rằng, thách thức lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến.

Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không bảo đảm ATTP vẫn hết sức khó khăn. Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp rất cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm đến tận cấp xã, để chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất. Đa số tỉnh, thành phố đã ban hành quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, dần xóa bỏ các cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung với tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, công tác bảo đảm ATTP hiện còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đồng thời nêu rõ, công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.

Để kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này, hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự, không bỏ qua bất cứ vụ việc nào. Theo Thủ tướng, thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về ATTP như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế… với mục tiêu năm 2020 phải có bước chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về lĩnh vực này ở tất cả các cấp.

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.