Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch

.

Xác định du lịch là ngành mũi nhọn, thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng có ngành học này đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng “đầu ra” cho ngành.

Một buổi học của sinh viên ngành du lịch tại “Khách sạn DUE”, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Một buổi học của sinh viên ngành du lịch tại “Khách sạn DUE”, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Trang thiết bị đạt chuẩn

Một buổi học của sinh viên ngành Quản trị du lịch (Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) tại Trung tâm Thực hành du lịch khá thú vị. Tại đây, các sinh viên được tự tay thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ như: pha chế, buồng phòng, nhà hàng… Trương Minh Thi (sinh viên năm 3, ngành Quản trị du lịch) phấn khởi cho biết, trước đây, mỗi kỳ học, các lớp được đi thực tế tại doanh nghiệp một lần cho từng bộ môn; tuy nhiên, chủ yếu là tham quan, thời gian tham gia thực hành không nhiều.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế đưa vào khai thác Trung tâm Thực hành du lịch thì mỗi kỳ sinh viên có 4 lần trải nghiệm thực tế tại đây. “Trang thiết bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi, chúng tôi lại trực tiếp được các thầy cô hướng dẫn và thực hành nghiệp vụ của ngành học. Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng cho sinh viên du lịch, giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế của công việc ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường”, Minh Thi nói.

Trung tâm Thực hành du lịch có một cái tên hẳn hoi “Khách sạn DUE”, có diện tích sàn 500m2, cấp hạng tương đương 4 sao gồm một quầy lễ tân, một nhà hàng, bếp, quầy bar, 3 phòng ngủ, trang thiết bị đầy đủ… Tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế cho biết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những định hướng của Đại học Đà Nẵng nói chung và các trường đại học thành viên nói riêng.

Tại Trường Đại học Kinh tế, việc ra đời Trung tâm Thực hành du lịch năm học 2019-2020 cũng đi theo mục đích đó. “Có một thời gian, mỗi môn/kỳ, nhà trường phải thuê hẳn phòng khách sạn hạng 4 đến 5 sao, mời chuyên gia hướng dẫn cho sinh viên 1 - 2 buổi; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học hỏi của sinh viên. Do đó, dù có tốn kinh phí nhưng nhà trường quyết tâm làm Trung tâm Thực hành du lịch này. Đây là một chiến lược lâu dài của nhà trường, làm sao cho sinh viên gần với thực tế nhất và phù hợp với phương pháp sư phạm; đồng thời đón đầu xu hướng đào tạo cho hai ngành đặc thù là công nghệ thông tin và du lịch như Chính phủ yêu cầu”, Tiến sĩ Trương Sỹ Quý trao đổi thêm.

Bên cạnh hệ thống các trường đại học công lập, các trường đại học ngoài công lập cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để tăng sự cạnh tranh. Trường Đại học Duy Tân tạo dựng một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại như: khách sạn mini, phòng thực hành ngành Du lịch với đầy đủ quầy lễ tân, buồng phòng khách sạn, quầy bar đạt tiêu chuẩn trên 3 sao của các khách sạn, khu nghỉ mát.

Tương tự, Khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á hiện có 9 phòng thực hành tiêu chuẩn về các nghiệp vụ bàn, bar, bếp, buồng, lễ tân; trong đó, khu thực hành bếp được đầu tư mới với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng - có nguồn tài trợ từ Chính phủ Úc và tập đoàn Cookbiz (Nhật Bản). Phòng thực hành được thiết kế nhằm phục vụ quy mô lớp học 30 sinh viên/lớp, 3 suất học/ngày theo tiêu chuẩn của Viện William Angliss (Úc) và Tập đoàn Cookbiz (Nhật). Với việc đầu tư phòng thực hành bếp hiện đại này, Trường Đại học Đông Á cũng hướng tới trở thành Trung tâm thẩm định nghề, kỹ năng đặc định quy chuẩn, giúp tất cả học viên, sinh viên hội đủ điều kiện sang Nhật làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, đặc biệt là bộ phận bếp và nhà hàng. Khóa đào tạo đầu tiên theo chương trình này sẽ vận hành từ đầu tháng 2-2020 và do chính các giảng viên Nhật Bản trực tiếp giảng dạy.

Chương trình đào tạo đặc thù

PGS.TS Đậu Thị Hòa, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á cho biết, bên cạnh trang thiết bị, Khoa Du lịch triển khai chương trình đào tạo du lịch tiệm cận chương trình của Nhật Bản; trong đó, chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản với phong cách dịch vụ được công nhận trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các học phần về quản trị (vận hành và quản lý) được áp dụng theo chương trình của Úc với sự hợp tác chặt chẽ cùng Viện William Angliss.

Với hướng phát triển chương trình này, khoa đặt mục tiêu tạo dựng cơ hội việc làm cho sinh viên du lịch tại những thị trường rất “chuộng” nhân lực du lịch; đồng thời cũng giúp sinh viên tiệm cận nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại các khách sạn 4, 5 sao ở Việt Nam và các nước, đặc biệt là Nhật, Singapore và Úc.

Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cũng đã đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng cao cho ngành du lịch Đà Nẵng, miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Đặc biệt năm 2019, nhà trường được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao đào tạo thí điểm 2 nghề với kết quả tuyển sinh được 31 sinh viên theo chương trình chuyển giao của Cộng hòa Liên bang Đức gồm nghề Quản trị khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn.

Trường đã được chuyên gia Đức đánh giá là một trong những trường có đủ điều kiện với trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng giảng dạy 2 nghề theo chuẩn Đức. “Nhà trường còn tiến hành rà soát, chỉnh sửa, phát triển chương trình đào tạo các nghề hằng năm để cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết theo sự phát triển, ứng dụng chương trình đào tạo tiên tiến của Đức, Úc. Chúng tôi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên của trường”, bà Hà Thị Vy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cho biết.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.