Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2020

.

Ngày 12-2, phát biểu tại hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT khẳng định, trong xây dựng CPĐT, yếu tố con người và thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả ban đầu của CPĐT, trong đó có việc tăng 21 bậc trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế so với năm 2018; rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục công cho người dân và doanh nghiệp; các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng. Theo đó, khả năng đột phá xây dựng CPĐT ở Việt Nam rất cao, có thể rút ngắn so với nhiều nước khác. Tuy vậy, hiện Việt Nam còn mắc một số điểm yếu như: Cơ sở dữ liệu (CSDL) cá nhân chưa được bảo vệ, một số khâu làm chậm và chưa đồng bộ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong năm 2020, cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; nhất là mục tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hiện mới đạt 10,7%). Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế bằng cách ban hành các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, định danh và xác thực điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân…

Đối với các yếu tố nền tảng của CPĐT, cần lưu ý 3 mục tiêu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh phải kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất chuyển một phần Quỹ Viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý 1-2020. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và dịch vụ CPĐT của cơ quan Nhà nước.

Bộ cũng cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất 1 ứng dụng di động truy cập được mọi dịch vụ CPĐT. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng CPĐT, vừa giúp phát triển CPĐT Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để tiến ra thế giới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT cho biết, hiện 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng năm 2019 là 86,5%. Đầu tháng 12-2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, là đầu mối cung cấp thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, một số CSDL tạo nền tảng CPĐT đã hình thành và phát huy hiệu quả như: CSDL bảo hiểm, CSDL hộ tịch, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL tài chính, CSDL giáo dục… Tuy vậy, việc triển khai CPĐT vẫn còn một số tồn tại về thể chế, các CSDL quốc gia vẫn triển khai chậm, đặc biệt là CSDL về dân cư và đất đai vẫn chưa hình thành. An toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết 17/NQ-CP. Cụ thể, hiện trên hệ thống Chính quyền điện tử thành phố có 120.000 tài khoản công dân điện tử. CSDL nền công dân và doanh nghiệp đã hoàn thiện 100%, phục vụ cho các ứng dụng chính quyền điện tử. Đà Nẵng hiện có 439 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm 51,7% tổng dịch vụ công trực tuyến); 100% hồ sơ được xử lý trên phần mềm Một cửa điện tử dùng chung; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử… Năm 2020, thành phố thực hiện cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Đà Nẵng theo Kiến trúc CPĐT Việt Nam 2.0. Dự kiến trong quý 1-2020, sẽ hoàn thiện trục liên thông dữ liệu thành phố, kết nối với trục liên thông dữ liệu quốc gia đang được triển khai.

 KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.