Qua hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hòa Vang ngày càng thay da, đổi thịt, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị. Trong xu thế phát triển chung đó, các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh… cũng khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.
Trước đây, thôn An Sơn được biết là một thôn nghèo của xã Hòa Ninh, nay đã trở thành một “khu phố” du lịch sầm uất nhất của xã. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Trước đây, từ trung tâm huyện Hòa Vang đến các xã khó khăn khi phải vượt qua hàng chục km đường ghồ ghề đất đỏ, hay sạt lở vào mùa mưa. Hiện nay, đường về các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên thuận lợi hơn rất nhiều. Dẫn chúng tôi đi dọc theo tuyến đường ĐT 602, ông Ngô Văn Liêm, cán bộ Văn phòng UBND xã Hòa Ninh cho biết, người dân thành phố và du khách có thể đi theo tuyến đường ĐT 602 hoặc dọc theo tuyến đường Hoàng Văn Thái nối từ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đến ngã ba thôn An Sơn, xã Hòa Ninh rất thuận lợi.
Theo ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, nhờ triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Hòa Ninh đã quy hoạch được vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung hơn 40ha, trong đó có 3 doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu với quy mô trên 18ha. Hiện toàn xã có 8 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả cao; có 7 doanh nghiệp và nhiều nhà hàng… giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Đặc biệt, tại thôn An Sơn của xã đang hình thành một “khu phố” du lịch sầm uất, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách lên khu du lịch Bà Nà Hills. “Khu phố” này cũng có gần 200 hộ dân làm dịch vụ du lịch trực tiếp như bán đồ lưu niệm, quán ăn, nhà hàng, chở khách, dịch vụ rửa ô-tô… với thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp. Chị Lê Thị Hiền, làm dịch vụ rửa xe tại thôn An Sơn phấn khởi cho biết, nếu cách đây 5 năm, cuộc sống của người dân ở thôn An Sơn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp thì giờ đây nghề phục vụ du lịch đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây.
Hòa Phú là xã miền núi của huyện Hòa Vang có điểm xuất phát khá thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nhưng chỉ sau 7 năm xây dựng NTM, kinh tế-xã hội của địa phương thay đổi tích cực. Rõ nét nhất là những căn nhà kiên cố mọc lên khá nhiều; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng sung túc hơn.
Ông Trương Ngọc Sơn (thôn Hòa Phú, xã Hòa Phú) phấn khởi cho biết, nhờ xây dựng NTM mà gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ đầu tư mở rộng vườn rau sạch với diện tích gần 3ha; gia đình có “của ăn của để”; tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập khá ổn định. Theo ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Riêng năm 2019, xã giải quyết việc làm cho 139/100 lao động, tăng gần 21% so với năm 2018. Năm 2019, giá trị thương mại - dịch vụ toàn xã đạt trên 40 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2018.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết, khi bắt đầu xây dựng NTM, xã Hòa Bắc có xuất phát điểm ban đầu rất thấp với chỉ 5/19 tiêu chí NTM. Vì vậy, xã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời như tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, phát triển nghề trồng mía, nghề dệt truyền thống... Bên cạnh đó, các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông, nước sạch… từng bước được hoàn thiện, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân xã. Ngoài hướng dẫn cách làm kinh tế, chương trình xây dựng NTM còn giúp người dân xã Hòa Bắc tập dần thói quen dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, các xã khu vực miền núi chiếm 77% diện tích của toàn huyện. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng cho nhân dân các xã miền núi phát triển sản xuất, giảm nghèo. Đặc biệt, nhiều gia đình nhờ chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, kinh tế rừng mà thoát nghèo vươn lên làm giàu với thu nhập cao như gia đình ông Trần Văn Nhu (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc), ông Lê Cổ (thôn An Châu, xã Hòa Phú), ông Nguyễn Thiết Hùng (thôn Hòa Xuân, xã Hòa Phú)… Đến nay, các xã miền núi không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Ông Đặng Phú Hành cho biết, thời gian tới, nhiều tuyến đường trọng điểm của thành phố đang triển khai đi qua địa bàn các xã miền núi của huyện Hòa Vang như tuyến đường vành đai phía tây, đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan…, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội của các xã nói riêng và của huyện Hòa Vang nói chung.
Toàn huyện Hòa Vang có khoảng 150 trang trại, riêng các xã khu vực miền núi có hơn 70 trang trại, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều trang trại đầu tư từ 50 - 70 triệu đồng để chăn nuôi quy mô lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. |
TRỌNG HÙNG