Lúng túng việc người lao động "trả phép" chậm

.

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là bắt đầu vụ đánh bắt hải sản trong năm. Thường từ mồng 4, mồng 5, thậm chí ngay mồng 2 Tết đã có tàu ra khơi đánh bắt hải sản; thế nhưng năm nay tình hình khá im ắng khi đa số tàu cá vẫn còn neo đậu trong bến.

Ông Lê Sinh, một chủ tàu ở Quảng Ngãi đang neo tàu ở Âu thuyền Thọ Quang thở dài nói: “Thời tiết như thế này là thuận lợi cho việc ra khơi, nhưng đến hôm nay tàu của tôi vẫn phải neo đậu tại đây.

Đã bắt đầu vụ đánh bắt hải sản chính trong năm nhưng tại Âu thuyền Thọ Quang nhiều tàu cá vẫn còn neo đậu. Ảnh: THANH VÂN
Đã bắt đầu vụ đánh bắt hải sản chính trong năm nhưng tại Âu thuyền Thọ Quang nhiều tàu cá vẫn còn neo đậu. Ảnh: THANH VÂN

Từ trước Tết, tôi đã thống nhất với anh em là chiều mồng 4 tập trung để rạng sáng mồng 5 xuất phát chuyến đánh bắt cá đầu năm. Thế nhưng, do tâm lý lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nên có quá nửa anh em gọi điện đề nghị lùi thời gian thêm một vài tuần. Đi biển mà không có bạn thì làm gì được, dù xăng dầu, lương thực đã chuẩn bị sẵn nhưng đành phải chờ thôi”.

Những ngày này, dọc khu vực Âu thuyền Thọ Quang, đâu đâu cũng thấy tàu đánh bắt hải sản neo đậu san sát trong vịnh. Trên bờ, vài nhóm ngư dân tranh thủ những ngày nghỉ đột xuất đan lại mấy tấm lưới để chờ người lao động quay trở lại ra khơi.

Ông Lê Văn Thọ, ở Thăng Bình (Quảng Nam) ra Đà Nẵng ngay từ mồng 3 Tết để đi chuyến biển đầu tiên trong năm nhưng cũng vì thiếu bạn nên những ngày qua ông chỉ giúp chủ tàu đánh lại mấy dây thừng và đan vài tấm lưới bị hư.

Ông Thọ tâm sự: “Theo tôi nghĩ, có dịch phải phòng ngừa, ai bị đau vô bệnh viện chữa trị, còn ai không đau ốm gì thì cứ đi làm bình thường, chỉ có điều mình trang bị thêm khẩu trang và giữ gìn vệ sinh là được. Hy vọng vài hôm nữa, khi thông tin tuyên truyền đến được mọi người, sẽ có nhiều người quay trở lại để sớm ra khơi, chứ ngồi không cũng lo vì không có thu nhập”.

Tâm lý ngại lây lan dịch nCoV là khá phổ biến ở rất nhiều người lao động đủ mọi ngành nghề. Ông Trần Văn Tiến, một chủ thầu xây dựng chuyên nhận các công trình dân dụng trên địa bàn thành phố cho biết, ông “mất” khá nhiều thợ do sau Tết mọi người không chịu “trả phép” theo thỏa thuận. “Từ trước Tết, tôi đã thông báo cụ thể với 21 thợ chính và thợ phụ là mồng 8 phải có mặt tại Đà Nẵng để quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, bất ngờ dịch bệnh xuất hiện khiến nhiều người lo ngại lây lan nên không “trả phép”. Điều may mắn là cả 3 chủ nhà đều thông cảm không phạt theo hợp đồng với tôi vì tình thế bất khả kháng này”.

Những người kinh doanh ẩm thực, dịch vụ cũng không đứng ngoài vòng lúng túng khi thiếu người làm. Ông T., một chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Khi tôi vừa đưa quán vô hoạt động vài ngày thì Nghị định 100-NĐ/CP về xử phạt vi phạm về giao thông có hiệu lực, quán vắng tanh, chưa biết tính cách chi để thu hút khách thì nay tiếp dịch bệnh. Mặc dù lượng khách giảm khá nhiều nên nhu cầu sử dụng lao động cũng phải giảm để tiết kiệm chi phí, nhưng việc có quá nhiều nhân viên gọi điện xin lùi thời gian đi làm khiến quán càng thêm khó khăn. Chừ chỉ mong là dịch nhanh đi qua để mọi việc làm ăn trở lại bình thường”.

Trong khi đó, theo chị Lê Thị Cẩm Bình, chủ 3 cơ sở massage và spa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà, lúc trước Tết, cao điểm có đến 20 nhân viên chính, ngoài ra, khi cần có thể gọi dịch vụ hỗ trợ đột xuất với số lượng không hạn chế. Thế nhưng, hiện tại các cơ sở của chị chỉ có chưa đến 10 nhân viên nên không đáp ứng được nhu cầu của khách.

“Mặc dù chúng tôi đã có nhiều chính sách như phân phát khẩu trang miễn phí cho tất cả nhân viên và khách, kèm theo đó là điều chỉnh tỷ lệ 4-6 (mỗi vé spa hoặc massage chủ cơ sở nhận 4, nhân viên trực tiếp làm nhận 6) sang 3-7 nhưng cũng không tránh được tình trạng nhân viên “trả phép” chậm”, chị Bình nói.

THANH VÂN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.