Hãy học từ những điều nhỏ nhất

.

Sự xuất hiện và bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã cho thấy rất nhiều lỗ hổng về vệ sinh thường thức của chúng ta. Đầu tiên là chuyện sử dụng khẩu trang. Lâu nay, nhất là phụ nữ vẫn dùng khẩu trang như một “vũ khí” thường ngày nhằm chống bụi và bảo vệ làn da.

Thế nhưng, những ngày này, qua sự khuyến cáo của chuyên gia y tế về việc dùng khẩu trang, rất nhiều người mới “ngớ” ra mình dùng không đúng cách. Rồi chuyện rửa tay thì có thể nói “xưa như trái đất”, vì đó là việc hằng ngày; thế nhưng, một lần nữa, sau khi các chuyên gia vệ sinh dịch tễ hướng dẫn, rất nhiều người mới nhận ra bao lâu nay mình rửa tay... không đúng.

Thực ra, những điều cơ quan chuyên môn khuyến cáo về cách đeo khẩu trang hay rửa tay đều không mới, nếu như không muốn nói là rất cũ. Bởi lẽ, ngay trên bao bì các hộp khẩu trang y tế trên thị trường đã có hướng dẫn bằng hình ảnh và chữ viết dễ hiểu về quy trình đeo khẩu trang. Tương tự, trên bao bì các loại xà phòng, chất khử trùng chuyên dùng cho việc vệ sinh tay cũng có hướng dẫn bằng cả hình ảnh lẫn chữ viết. Chỉ có điều, chúng ta xem nhẹ và bỏ qua.

Người Việt được xem là thông minh, ham học hỏi nhưng người Việt cũng có cái tính khá phổ biến là qua loa, đại khái trước những điều cho là đơn giản, nhỏ nhặt. Thói quen này bình thường được xem là vô hại, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay lại dẫn đến hậu quả là khả năng lây nhiễm bệnh tật rất cao.

Nhìn xa hơn một chút, như việc tham dự các hội nghị, hội thảo, những sự kiện tập trung đông người, người Việt cũng có thói quen khác với người nước ngoài. Đó là trước khi bước vào phòng họp, hội nghị..., người nước ngoài thường dành chút ít thời gian đọc nội quy, xem sơ đồ thoát thân khi có sự cố bất khả kháng xảy ra, để ít nhất là không vi phạm những quy định của ban tổ chức và xa hơn là để biết nơi nhanh nhất, an toàn nhất thoát ra khi cần. Hữu ích là vậy, văn minh là thế nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua “thủ tục” này.

Thói quen này không tốt cho chính mình. Đặc biệt, trong việc giao lưu, tiếp xúc hoặc làm việc với người nước ngoài, đây còn là điều khiến chúng ta trở nên... lạc hậu, nếu như không muốn nói lố bịch. Đơn giản như việc không chịu học hỏi cách ăn uống cũng khiến chúng ta nhiều khi rơi vào cảnh đáng xấu hổ. Đi sự kiện, ăn tiệc buffet, không ít người vì cái “tội” không chịu học mà trở nên mất lịch sự khi chen ngang lấy thức ăn, không xếp hàng chờ đến lượt; ăn ít mà cứ lấy thật nhiều... Đến nỗi gần đây, một số nước đã viết những câu bằng tiếng Việt ngay tại các nhà hàng có người Việt tham dự như: “Vui lòng xếp hàng khi lấy thức ăn” hoặc “Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không lãng phí thức ăn”...(!?)

Học những quy cách trên rất đơn giản, không mất nhiều thời gian và có thể áp dụng được ngay mà không cần trình độ, tuổi tác... Vậy thì không lý do gì chúng ta từ chối việc học những điều đơn giản nhất và cũng rất cần thiết như vậy, để trước hết bảo vệ chúng ta và không làm phiền đến những người xung quanh. Và xa hơn nữa là học để chung tay xây dựng một xã hội văn minh, trật tự và sẵn sàng phòng tránh những bất trắc trong đời sống.

Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.