Những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, trên tuyến quốc lộ 1A hướng bắc - nam (cung đoạn Huế - Đà Nẵng - Khánh Hòa) lưu lượng ô-tô tăng đột biến đã gây ùn tắc giao thông cục bộ ở một số thời điểm; đặc biệt là ùn tắc phía bắc hầm đường bộ Hải Vân.
Phương tiện ô-tô di chuyển vào phía bắc hầm Hải Vân tăng mạnh thời gian sau Tết Nguyên đán Canh Tý. (Ảnh vệ tinh, chụp qua màn hình) |
Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là công trình giao thông tổng hợp gồm đường, hầm, cầu và hệ thống trang thiết bị vận hành kèm theo với tổng chiều dài 13,938 km; trong đó, chiều dài của đường hầm là 6,280 km. Sau khi đưa vào sử dụng năm 2005, hầm đường bộ Hải Vân không chỉ rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo từ 21km xuống còn hơn 6,2km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại đèo Hải Vân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ cho các địa phương trong khu vực.
Với mật độ phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A, đặc biệt là đoạn qua miền Trung nói chung, hầm đường bộ Hải Vân nói riêng ngày càng gia tăng mạnh mẽ, cho nên sau 15 năm khai thác, đến nay, hầm đường bộ Hải Vân đã trở nên quá tải. Vào những lúc cao điểm, dịp lễ, Tết dẫn đến mất an toàn giao thông, gây ra ùn tắc ở hai tuyến đường dẫn và trong hầm vì phải lưu thông mỗi chiều 1 làn trong 1 ống hầm, không được phép vượt suốt từ 2 tuyến đường dẫn vào trong hầm dẫn đến các phương tiện ùn tắc.
Ông Võ Ngọc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Vận hành hầm Hải Vân cho biết, những ngày cao điểm có đến 19.000 phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân. Trước áp lực phương tiện ô-tô cá nhân tham gia giao thông tăng mạnh, đơn vị đã phải căng mình xử lý ùn tắc nhằm hạn chế tối đa để không bị ngưng trệ trên tuyến quốc lộ 1A. Khoảng thời gian từ 15 giờ đến 21 giờ hằng ngày từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, lưu lượng xe từ các tỉnh phía bắc di chuyển về phía nam qua hầm Hải Vân là thời điểm tăng đột biến, lúc cao điểm đã có 16.250 lượt xe qua hầm Hải Vân, tập trung vào lúc từ 17 giờ đến 19 giờ gây ra ùn tắc cục bộ phía trong hầm.
Xí nghiệp Vận hành hầm Hải Vân lần đầu tiên đã triển khai phương án dừng lưu thông hướng từ Đà Nẵng ra Huế trong 45 phút để tổ chức giao thông 1 chiều hướng bắc vào nam. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Ông Trung nhận định, nếu xả cửa Trạm thu phí tại bắc Hải Vân thì lượng xe vào hầm càng lớn, càng thêm gây ùn tắc. Trước tình huống này, Xí nghiệp Vận hành hầm Hải Vân lần đầu tiên đã triển khai phương án dừng lưu thông hướng từ Đà Nẵng ra Huế trong 45 phút; phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng dừng xe tại ngã ba từ Đà Nẵng vào đường dẫn phía nam hầm để cho lưu thông 2 làn cùng 1 chiều trong hầm (hướng bắc - nam) nhằm thoát bớt lượng xe ùn ứ trên tuyến quốc lộ và đường dẫn phía Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). “Khi thực hiện phương án này, lưu lượng xe đã giảm, tuy chấp nhận ùn ứ xe hướng Đà Nẵng ra Huế, nhưng lại bảo đảm lưu thông tổng thể tránh ùn tắc cả hai chiều kéo dài mất kiểm soát trong hầm”, ông Trung nói.
Theo đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (DII), hầm Hải Vân 1 được thiết kế dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng cho lưu lượng khoảng 12.000 lượt xe ngày đêm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê vận hành trong các ngày cuối tuần và dịp lễ, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán năm 2019, năm 2020, lưu lượng phương tiện đã đạt mốc 19.000 lượt xe ngày đêm, bình quân gần 800 xe/giờ. Do vậy, để chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, đơn vị quản lý vận hành đã đưa ra nhiều phương án vận hành so với quy trình, bố trí tăng cường 100% nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn vận hành kịp thời bảo đảm an toàn, hạn chế ùn tắc cho các phương tiện khi lưu thông qua hầm, nhất là xử lý kịp thời các tình huống có nguy cơ cháy nổ trong hầm.
Tuy nhiên, các giải pháp vận hành chỉ mang tính giải quyết tình huống tạm thời. Do vậy, cần sớm đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành, mở rộng trạm thu phí bắc Hải Vân; đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1A mới có thể giải quyết triệt để được sự ùn tắc quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay.
TRIỆU TÙNG