Có lẽ từ ngày xưa, với nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, làm theo kinh nghiệm nên người Việt luôn đề cao chữ “tiện” theo nghĩa “tiện lợi”. Tiện đường, tiện tay... với mong muốn công việc thuận lợi, ít tốn kém thời gian cũng như vật chất.
Cuộc sống hiện đại, cuộc sống nông thôn chuyển dần sang thành thị, chữ “tiện” vẫn hiện hữu. Ngoài một số mặt thuận lợi, cái “tiện” bộc lộ nhiều bất lợi khi chuyển sang nghĩa “tùy tiện”.
Một trong những biểu hiện rõ nhất của chữ “tiện” trong cuộc sống phố thị là những chợ chồm hổm, chợ cóc, chợ tự phát. Một vỉa hè rộng, một khu đất trống nơi đông người qua lại hình thành nên một cái chợ. Ban đầu chỉ là mấy cái đôi quang gánh đặt bên vỉa hè, người mua dừng xe, vẫn ngồi trên xe, mặc cả, mua bán rồi phóng xe đi, tiện vô cùng. Sau đông dần, xe vẫn dựng chân chống ở sát lề, chạy ào vào chợ, vừa mua vừa trông chừng xe. Mặc kệ người đi đường kẹt xe bóp còi inh ỏi, người mua vẫn bình thản: “Đợi tí, ra giờ!”.
Từ chợ lên cửa hàng, người ta vẫn coi trọng chữ “tiện” nên tư duy mặt tiền được đề cao. Mặt tiền sẽ tiện trong việc quảng cáo, người đi đường tiện khi vừa đi vừa ngắm nghía, tìm mặt hàng ưa thích. Chỉ cần phi xe lên lề, lao vào cửa hàng, ngắm nghía, lục lọi, thử đồ rồi lại lên xe phóng vèo. Tiện!
Rồi đậu đỗ xe ngay mặt tiền nhà cho tiện việc lên xuống. Chẳng phải mất công đi xa, phải tốn tiền gửi xe vào bãi. Ngay cả ô-tô cỡ lớn vẫn bật đèn sự cố, đậu ở làn ngoài, ngay trước cửa các nhà hàng để khách tiện lên xuống.
Cuộc sống vốn công bằng, như mảnh chăn hẹp người này kéo thì người kia hụt. Cái tiện của người này thành cái bất tiện của người khác. Chợ cóc, chợ chồm hổm khiến khuôn mặt đô thị nhếch nhác, gây tắc đường. Thành phố Đà Nẵng phần nào đó đã dẹp được chợ cóc, chợ chồm hổm..., nhưng chưa dẹp được hoàn toàn, bởi vẫn có chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm, hay vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường nơi có các khu chợ để tiện mua bán.
Tư duy mặt tiền khiến người ta coi trọng việc bày hàng hóa bắt mặt, tiện cho người đi đường thấy hấp dẫn. Vì thế, nhiều cửa hàng, thậm chí cả khách sạn, siêu thị... khi tận dụng tối đa mặt tiền thì tận dụng và cả lợi dụng lề đường làm nơi giữ xe phục vụ mục đích kinh doanh. Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng các bãi đỗ xe, hạn chế, ngăn cấm việc đỗ xe bên lề đường các con phố chính. Nên chăng cũng cần siết chặt quy định diện tích bãi đỗ xe tối thiểu cho các cửa hàng, khách sạn, siêu thị..., thậm chí là diện tích đỗ xe của hộ gia đình. Khi hầu hết các phương tiện giao thông có bãi đỗ thì đường sá giao thông thuận tiện, hạn chế tối đa tranh chấp giữa chủ nhà mặt tiền với xe đỗ trước mặt nhà, giảm thiểu cả nạn trộm cắp vặt các thiết bị ô-tô. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh buộc phải bảo đảm uy tín thương hiệu, không cần phải đưa ra mặt tiền, thậm chí đưa ra vùng ngoại ô vẫn đông khách.
Cuộc sống hiện đại vẫn đề cao cái tiện lợi nhưng không chấp nhận cái tùy tiện. Những cái tiện nào không còn phù hợp thì cần phải loại bỏ theo đúng quy luật của sự vận động và phát triển.
TRIỀU NGUYÊN