90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TP. Đà Nẵng (28-3) 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG (29-3)

90 năm vẻ vang của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

.

Trong những tháng năm đen tối dưới ách kìm kẹp của chế độ thuộc địa trên mảnh đất “nhượng địa”, người dân Đà Nẵng vẫn ngẩng cao đầu đứng lên giành độc lập. Đà Nẵng đã trở thành chiếc nôi của cách mạng miền Trung, nơi Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam làm căn cứ, bàn đạp, đứng chân gieo hạt giống đỏ đầu tiên giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản với những hoạt động theo khuynh hướng cộng sản đầu tiên. Ngay sau khi thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam – bao gồm cả Thị ủy Đà Nẵng (28-3-1930), phong trào cách mạng tại Đà Nẵng ngày càng diễn ra sôi nổi không kể ngày đêm.

Cái nôi của phong trào cách mạng

Tháng 9-1927, chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Đà Nẵng được thành lập, gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Lê Quang Sung (tức Lê Hoành), Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Thị Thuyền, sau bổ sung thêm các đồng chí Đỗ Quỳ và Nguyễn Long.

Về sau phát triển thêm các đồng chí Nguyễn Văn Tý, Phạm Thị Cảnh, Phạm Thị Kỳ… Sau khi chi bộ đầu tiên được thành lập một thời gian ngắn, đồng chí Đỗ Quang đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, lập thêm hai chi bộ nữa: một ở Đà Nẵng, một ở Hội An.

Trụ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) (Ảnh: Internet)
Trụ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) (Ảnh: Internet)

Chi bộ thứ hai ở Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Tường phụ trách. Còn chi bộ ở Hội An gồm có các đồng chí: Phan Văn Định (Bí thư), Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), Nguyễn Thái, Lê Uýnh, Trần Văn Tăng... và một số đồng chí khác. Khi Đà Nẵng phát triển thêm được một chi bộ thứ 3 thì đầu năm 1928, đồng chí Đỗ Quang triệu tập hội nghị thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản làm tiền đề cho sự đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Đến tháng 5-1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam-Đà Nẵng lên con số 50 người. Vì những lẽ đó, Đà Nẵng dần xuất hiện 3 tổ chức cách mạng là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức và chủ trì hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc.

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Ngày 28-3-1930, tại bãi cát Trường Lệ thuộc Hội An, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người được phân công đặc trách Xứ ủy Trung Kỳ, đã thông báo sự hợp nhất 3 tổ chức cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đề nghị Quảng Nam-Đà Nẵng tiến hành thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, bao gồm thành phố Đà Nẵng, đánh dấu mốc lịch sử của nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam…

 Đi lên từ phong trào cách mạng

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Đà Nẵng và Quảng Nam là chiến trường trọng yếu, là địa đầu bảo vệ vùng tự do Khu 5, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Trong thời kỳ Mỹ can thiệp vào xây dựng chính quyền tay sai tại miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève, từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng, Đảng bộ đã từng bước lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, làm chủ thành phố 76 ngày đêm năm 1964, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở các vùng đô thị; góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Bị thất bại nặng nề, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ chống lại nhân dân ta. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Khu ủy 5, Thành ủy Đà Nẵng đã từng bước lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân xác định tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân Đà Nẵng đã nổi dậy, tấn công vào thành phố. Sau đó địch phản kích, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Mặc dầu bị bao vây giữa lòng địch, nhưng các đảng viên, chiến sĩ cách mạng quyết không hạ vũ khí đầu hàng, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, tạo thế chiến lược sau này cho hàng loạt chiến thắng của quân và dân tỉnh nhà, đã góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, việc giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, từ năm 1975 đến năm 1996, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giành được những thành tựu quan trọng.

Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Quảng Nam-Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh... Cùng với tập trung lãnh đạo phục hồi, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt-may, hóa chất, khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, các ngành xuất nhập khẩu, giao thông vận tải... hình thành và phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành ủy Đà Nẵng đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của mình; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần cùng cả nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.

Từ năm 1997 đến nay, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng vận dụng cơ hội mới để phát triển. Thành phố đã thực hiện công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị một cách mạnh mẽ, tạo sức bật mới cho Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, du lịch phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn; đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” giàu tính nhân văn được ban hành và thực hiện tích cực; chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn đứng vị trí cao so với cả nước.

Đảng bộ thành phố Đà Nẵng không ngừng phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền vững mạnh; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn ngày càng phát triển. Diện mạo đô thị hiện đại, vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Trong dấu ấn thành tựu 90 năm qua của Đà Nẵng, luôn có sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!

BÁ LỘC

;
;
.
.
.
.
.