Các đoàn xe tiếp viện từ Đà Nẵng

.

ĐNO - Sau ngày giải phóng thành phố 29-3-1975, cán bộ và nhân dân Đà Nẵng tập trung thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường nhằm tiếp sức cho các đoàn quân tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam.

Đã 45 năm trôi qua, ông Phạm Thanh Ba (ảnh) vẫn còn nhớ như in nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân dân Đà
Đã 45 năm trôi qua, ông Phạm Thanh Ba (ảnh) vẫn còn nhớ như in nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân dân Đà Nẵng đối với Bộ đội Cụ Hồ và sự nghiệp cách mạng. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà và Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng thống nhất xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần giải phóng miền Nam theo phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Ông Phạm Thanh Ba, 89 tuổi, ở phường Phước Ninh (quận Hải Châu), nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, kể lại: “Hồi ấy, Đặc khu ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác chi viện chiến trường, tập trung vào việc huy động xe, gạo, nhiên liệu và hàng hóa. Về xe, toàn thành phố có hàng chục tổ hợp vận tải, mỗi tổ hợp quản lý hàng trăm đầu xe. Về gạo, trên địa bàn thành phố có hơn 10 kho gạo chiến lợi phẩm, với tổng số hàng ngàn tấn, từ khi giải phóng, bộ đội vẫn bảo vệ nguyên vẹn. Còn hàng hóa, nhu yếu phẩm thì tổ chức vận động, quyên góp.

Vị nhân chứng lịch sử vẫn còn nhớ rõ, việc vận động hàng hóa, thực phẩm và công tác tổ chức tiếp tế cho các đoàn xe chở quân vào Nam diễn ra hết sức sôi nổi. Đội ngũ cán bộ Đà Nẵng và các địa phương hai bên quốc lộ 1A (từ Hòa Hiệp đến Duy Xuyên) ngày đêm xông xáo, lặn lội, vận động nhân dân ủng hộ tiền, gạo, đậu xanh và các loại nhu yếu phẩm khác. Phụ nữ đảm đương vai trò nòng cốt với nhiều tấm gương và việc làm tiêu biểu. Chị em mua cá ngừ và thịt heo, chế biến thành lương khô. Gạo nếp, đậu xanh được gói thành bánh chưng, bánh tét. Các loại nhu yếu phẩm  phân chia thành từng bao nhỏ. Nước đun sôi để nguội đổ vào can nhựa… Toàn thành phố và dọc theo quốc lộ 1A nhộn nhịp những chuyến hàng Nam tiến. Nhiều người dân tự chở lương thực, thực phẩm đến ủng hộ. Các đoàn xe hối hả chở thực phẩm, hàng hóa từ nội thành Đà Nẵng ra quốc lộ 1A để tiếp tế cho bộ đội. “Hồi đó, có một nhà báo đã viết: Công tác tiếp tế cho bộ đội tại Quảng Đà tưng bừng như ngày hội của tình quân dân và lòng yêu nước”, ông Ba tươi cười nhớ lại.

Trên quốc lộ 1A đi qua địa phận Quảng Đà được bố trí 5 điểm dừng tại đèo Hải Vân, Hòa Khánh, Hòa Cầm, Vĩnh Điện và Nam Phước để giao nhận hàng tiếp tế. Các đoàn quân tiến vào Nam với phương châm “thần tốc”, thời gian dừng ở mỗi điểm chỉ có 10 phút. Ấy vậy mà, nhiều bà mẹ sau khi giao hàng vẫn cố bước lên xe, ôm hôn bộ đội như chính các con mình. Nhân dân đứng hai bên đường, vẫy cờ, vẫy hoa, giương cao khẩu hiệu tiễn các anh bộ đội vào Nam. Những đoàn xe từ miền Bắc chạy vào Nam, đến Đà Nẵng được bổ sung xăng, dầu đầy bồn. Hàng chục điểm tiếp liệu trực suốt ngày đêm để cung cấp xăng, dầu cho các đoàn xe tiến vào Sài Gòn… 

Đã 45 năm trôi qua, ông Ba vẫn còn nhớ như in nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân dân Đà Nẵng đối với bộ đội Cụ Hồ và sự nghiệp cách mạng. Theo ông Ba, trong thời gian nửa đầu tháng 4 năm 1975, mỗi ngày có khoảng 30 - 60 xe hàng tiếp tế cho bộ đội. Từ ngày 16-4 trở đi, số lượng càng tăng lên nhiều. Lúc đầu, xe vào đến Nha Trang, sau nối dài tới Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai… Bước tiến của quân ta đến đâu thì các đoàn xe tiếp viện tiến theo đến đó. “Trong những ngày tháng 4-1975, các đoàn xe tiếp viện từ Đà Nẵng rầm rập tiến vào Nam, góp phần làm nên ngày chiến thắng của toàn dân tộc”, ông Ba nhấn mạnh.

                                                                                    LÊ VĂN THƠM 

;
;
.
.
.
.
.