Nỗi lo tái ô nhiễm các kênh, sông, hồ

.

ĐNO – Sau khi đưa vào hoạt động các giàn sục khí ở hồ Bàu Trảng; đắp đập tạm, lắp đặt máy bơm, vận hành thu gom nước thải dọc kênh Phần Lăng và xung quanh hồ Bàu Trảng, tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm. Nhưng nhiều người dân vẫn lo ngại tái ô nhiễm môi trường ở khu vực này cũng như ở các sông, kênh, hồ khác. Do vậy, cần giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Chất lượng nước hồ Bàu Trảng đã được cải thiện sau khi đã thu gom được toàn bộ nước thải chảy vào hồ và vận hành các giàn sục khí. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chất lượng nước hồ Bàu Trảng đã được cải thiện sau khi đã thu gom được toàn bộ nước thải chảy vào hồ và vận hành các giàn sục khí. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Lo tái ô nhiễm

Cách đây 2 tuần, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã đắp đập tạm ở thượng lưu kênh Phần Lăng, ngăn nước mưa lẫn nước thải từ Sân bay Đà Nẵng vào khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải, chảy vào kênh; đồng thời lắp đặt máy bơm thu gom một phần nước thải ở thượng lưu đập tạm này để chống tràn vào kênh, vận hành bơm toàn bộ nước thải dọc kênh Phần Lăng, hồ Bàu Trảng đưa về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc. Cạnh đó, công ty đắp một đập tạm ở hạ lưu hồ Bàu Trảng để ngăn nước ô nhiễm chảy về sông Phú Lộc.

Đến nay, sau 2 tuần vận hành, nước thải đã được thu gom hoàn toàn về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, không còn chảy vào kênh Phần Lăng và hồ Bàu Trảng như trước nên cả tuyến kênh Phần Lăng từ hạ lưu đập tạm đến cầu vượt ngã ba Huế và hồ Bàu Trảng được cải thiện về môi trường, nước không còn màu đen tuyền và không còn mùi hôi thối. Màu nước trong hồ tiếp tục cải thiện sau hơn 1 tuần vận hành các giàn sục khí.

Thượng lưu kênh Phần Lăng được đắp đập tạm để ngăn không cho nước thải chảy vào kênh này và hồ Bàu Trảng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thượng lưu kênh Phần Lăng được đắp đập tạm để ngăn không cho nước thải chảy vào kênh này và hồ Bàu Trảng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: “Hiện môi trường nước ở kênh Phần Lăng đã cải thiện, không còn mùi hôi thối do đã thu gom được toàn bộ nước thải dọc kênh. Tại hồ Bàu Trảng, không còn mùi hôi nữa, nước trong hồ cũng đang giảm dần màu đen nhưng đơn vị vẫn đang tích cực xử lý màu và mùi. Sau khi chất lượng nước hồ Bàu Trảng và kênh Phần Lăng đạt tiêu chuẩn cho phép, chúng tôi tiến hành tháo đập tạm tại hạ lưu hồ Bàu Trảng để nước hồ chảy ra sông Phú Lộc”.

Tuy nhiên, người dân ở dọc kênh Phần Lăng và xung quanh hồ Bàu Trảng vẫn lo lắng tái ô nhiễm môi trường bởi những giải pháp đã thực hiện chỉ là tạm thời. Đặc biệt, người dân ở khu vực thượng lưu đập tạm ngăn kênh Phần Lăng không yên tâm và đề nghị phá dỡ đập tạm vì nước thải tù đọng gây mùi hôi thối, sinh nhiều muỗi.

Ông Trần Văn Đi, Tổ trưởng Tổ dân phố số 55, phường An Khê (quận Thanh Khê) cho hay: Kênh Phần Lăng đoạn hạ lưu đập tạm đã được cải thiện môi trường, không còn hôi thối và nước màu đen như trước. Song, cần phải sớm có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở phía thượng lưu đập tạm”.

Còn ông Huỳnh Tuấn (người dân ở đường Cù Chính Lan, phường An Khê) bày tỏ: “Trước đây, mùi hôi thối và muỗi rất nhiều. Cơ quan chức năng đã tích cực xử lý trong mấy ngày qua và đã cải thiện môi trường ở kênh Phần Lăng và hồ Bàu Trảng. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân vẫn lo tái ô nhiễm kênh và hồ vì giải pháp thiết kế vận hành thu gom nước thải còn quá bất cập.

Chỉ cần có một trận mưa to, nước kênh và hồ dâng cao hơn ngưỡng tràn của cống An Khê thì nước mưa và nước thải lại trộn chung, không thể vận hành máy bơm thu gom nước thải được. Thời gian nước dâng cao càng dài thì càng ô nhiễm môi trường do không thể vận hành thu gom nước thải. Vì vậy, cần sớm có giải pháp khắc phục bất cập về thiết kế để tránh tái ô nhiễm”.

Chất lượng nước hồ Bàu Trảng đã được cải thiện, nhưng người dân vẫn lo tái ô nhiễm và đề nghị sớm triển khai các giải pháp xử lý tổng thể. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chất lượng nước hồ Bàu Trảng đã được cải thiện, nhưng người dân vẫn lo tái ô nhiễm và đề nghị sớm triển khai các giải pháp xử lý tổng thể. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Xây dựng, trước mắt, các cơ quan chức năng tích cực xử lý ô nhiễm để tháo đập tạm ở hạ lưu hồ Bàu Trảng, bảo đảm mực nước kênh và hồ dưới ngưỡng tràn cống An Khê để vận hành thu gom nước thải được.

Về lâu dài, UBND thành phố đã giao Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công công trình cải tạo các tuyến cống liên phường Xuân Hà, Tam Thuận; nghiên cứu, đề xuất phương án nâng cấp toàn bộ hệ thống thu gom nước thải dọc sông Phú Lộc.

UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư công trình tuyến cống thu gom nước thải ven hồ điều tiết ở thượng lưu kênh Phần Lăng để khởi công và hoàn thành công trình trong năm 2020, nhằm thu gom nước thải cho khu vực dân cư hiện trạng, bảo đảm môi trường.

Cần giải pháp căn cơ

Không chỉ ở kênh Phần Lăng và hồ Bàu Trảng, trên địa bàn thành phố có nhiều sông, kênh, hồ đã được thực hiện nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nhưng cứ đến mùa nắng nóng là xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cá chết… làm người dân bức xúc, nhất là ở sông Phú Lộc.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, cảnh quan các kênh, sông, hồ đã được cải thiện, nhưng môi trường nước ở một số kênh, hồ vẫn thường xuyên bị ô nhiễm chất hữu cơ như: hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Vĩnh Trung, hồ Hòa Phú, hồ Đò Xu, hồ khu E1, kênh Đa Cô, kênh Khe Cạn... Tình trạng biến động một số thông số ô nhiễm môi trường nước gây hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra hầu như hằng năm và gây mùi hôi, làm người dân lên tiếng bức xúc.

Hệ thống giàn phun sương tự động được lắp đặt ở đầu kênh và hồ Đò Xu để khử mùi hôi. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hệ thống giàn phun sương tự động được lắp đặt ở đầu kênh và hồ Đò Xu để khử mùi hôi. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm xử lý môi trường các hồ, mương ở Hà Nội rất thành công vào Đà Nẵng nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp xử lý tổng thể. Sở cũng đã đề nghị thành phố Yokohama (Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm cũng như các biện pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường ở các sông, kênh, hồ trên địa bàn thành phố.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Cứ đến mùa nắng nóng là bắt đầu có hiện tượng cá chết, ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng tôi đã đặt ra vấn đề là tiếp cận hẳn một dự án nghiên cứu tổng thể để khắc phục triệt để hiện tượng này. Theo đó, sẽ nghiên cứu dự án xử lý tổng thể môi trường 30 hồ, kênh với mục tiêu đặt ra trước mắt là không còn hiện tượng cá chết”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.