Một tấm lòng giản dị

Đứng tần ngần trước căn nhà cấp bốn cũ kỹ thuộc tổ dân phố 64, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, tôi thoáng chút ngờ ngợ, không tin đây là nơi ở của cựu chiến binh Mai Trọng Nghĩa. Vì trong suy nghĩ của tôi, người cựu chiến binh lâu nay được ca ngợi chữa bệnh không lấy tiền, ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các quỹ từ thiện, khuyến học… phải là người có điều kiện kinh tế khá giả. Gặp ông, tôi lại hiểu thêm về một tấm lòng giản dị, khi ông nói rằng: “Những việc tôi đã làm, chỉ mong không để ai lại phía sau”.

Lý giải cơ duyên gắn bó với thành phố “đầu biển cuối sông”, cựu chiến binh Mai Trọng Nghĩa bồi hồi nhớ về một thời trai trẻ. Năm 1972, ông rời quê hương Nga Trường (Nga Sơn, Thanh Hóa), lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 14 - Quân khu Tả Ngạn. Sau thời gian huấn luyện, Mai Trọng Nghĩa được điều động vào mặt trận B2, biên chế về Trung đoàn 205 là trung đoàn cơ động miền Đông Nam Bộ. Từ ấy, đời binh nghiệp đã đưa ông đi hầu khắp miền đất phương Nam. Miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất, ông được cử ra miền Bắc đi học nghiệp vụ công an nhân dân vũ trang. “Kết thúc chiến tranh, tôi bị 6 vết thương nhưng vẫn xung phong ở lại quân đội”, ông Nghĩa tâm sự.

Học xong, ông được biên chế về lực lượng công an vũ trang tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với chức trách là người phiên dịch tiếng Nga (nay thuộc Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng). Trong thời gian công tác ở đây, vốn có nghề thuốc gia truyền, ông tranh thủ học thêm nghề châm cứu bấm huyệt, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Năm 2000, ông về hưu. Ngẫm lại những năm tháng chiến tranh, ông cảm nhận mình sống được như ngày hôm nay là may mắn hơn bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống khi tuổi còn đôi mươi. Và cũng từ đó, trong lòng cựu chiến binh Mai Trọng Nghĩa cứ bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải làm thêm những việc gì đó có ích cho xã hội, giúp đỡ các mảnh đời kém may mắn, chứ không phải về hưu là nghỉ ngơi. Ông đã tham gia Câu lạc bộ cán bộ Công an hưu quận Liên Chiểu, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học… Chia sẻ về những hoạt động của mình, ông Nghĩa khảng khái: “Đơn giản tôi chỉ muốn bản thân vẫn là anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa”.  

Trao đổi với cán bộ Hội Cựu chiến binh phường Hòa Khánh Bắc, tôi được biết ông Mai Trọng Nghĩa bắt đầu giúp đỡ người bệnh bằng phương pháp bấm huyệt chữa bệnh cách đây khoảng 4 năm. Trong đó, ông chữa miễn phí hoàn toàn đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi, thương binh, bệnh binh và người tu hành. Xuất phát từ cuộc sống bản thân đã từng chịu bao vất vả, ông đã tiết kiệm chi tiêu từ những khoản lương thương binh, tiền con cháu biếu tặng nhân ngày lễ, Tết, tiền khám chữa bệnh và tiền cho thuê mấy phòng trọ phía sau nhà để giúp đỡ các cháu mồ côi, khó khăn.

Biết đồng đội gặp khó khăn, ông Nghĩa đã tự nguyện cho hai cựu chiến binh trong chi hội vay hàng chục triệu đồng không tính lãi để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Quỹ hoạt động của Chi hội Cựu chiến binh eo hẹp, ông ủng hộ 10 triệu đồng. Năm 2019, nhận được thư kêu gọi của Hội Cựu chiến binh thành phố về việc ủng hộ Cựu chiến binh nước bạn Lào có hoàn cảnh khó khăn, ông đóng góp 20 triệu đồng. Nghe bạn chiến đấu thông tin về việc đi tìm đồng đội ở những chiến trường xưa, do tuổi cao sức yếu, không thể xông pha chốn “rừng thiêng nước độc”, ông đã gửi 5 triệu đồng gọi là góp chút công lao. Thân nhân của liệt sĩ ở miền Bắc vào Đà Nẵng đi tìm mộ, ông lo nơi ăn, chốn ở tại gia đình, hỗ trợ kinh phí và cùng gia đình đến viếng thăm và tìm mộ liệt sĩ…

Cuộc đời giản dị của đảng viên, cựu chiến binh Mai Trọng Nghĩa là một thước phim để lớp trẻ soi mình.

NGUYỄN AN KHÁNH

 

;
;
.
.
.
.
.