Hơn hai tháng qua, cùng với cả nước, toàn thành phố đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19. Cùng với ngành y tế, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố đi đầu trong nhiệm vụ cách ly công dân về nước, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Mẹ con chị GimYeong lưu luyến ngày chia tay. Ảnh: HỒNG HẠNH |
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các doanh trại dành cho việc cách ly đã được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, nơi ăn ở, trang thiết bị y tế sẵn sàng đón công dân trở về từ vùng dịch. Ngày 24-2, những công dân Việt Nam đầu tiên từ Hàn Quốc về Đà Nẵng. Từ chỉ huy đến cán bộ được phân công nhiệm vụ cấp tốc lên đường đón tiếp và đưa các công dân về Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (gọi tắt là trung tâm).
Đại úy Đỗ Hồng Hiếu, Đại đội trưởng Đại đội Công binh đóng quân tại Trung tâm cho biết: “Công dân Việt Nam về nước từng đoàn lẻ, có đoàn về đến khu cách ly lúc giữa đêm, các anh em được phân công phục vụ hầu như không ngủ mà túc trực đón tiếp và sắp xếp nơi ăn ở chu đáo cho các công dân. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều được huy động làm nhiệm vụ canh gác, nấu cơm, mang cơm đến khu nhà ở, dọn vệ sinh... Anh em nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng làm việc bằng hai, ba lần bình thường, hết lòng giúp đỡ các công dân mọi vấn đề về sinh hoạt”.
Tại hai khu cách ly của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, đã có hơn 70 cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế các quận, huyện trực tiếp phục vụ 455 công dân. Không chỉ vất vả trong giờ làm việc, tất cả các cán bộ, chiến sĩ trong thời gian này đều phải tự cách ly với đơn vị, gia đình. Bếp ăn của đơn vị dành để nấu cho công dân, bếp ăn riêng của cán bộ, chiến sĩ phải che lều, dựng lán giữa trời. Tại hai khu cách ly có gần 10 trẻ nhỏ, các em bé được mua cháo xay ngày 3 lần. Hai phụ nữ có thai cũng phải được chăm sóc đặc biệt.
Cùng với nhân viên y tế thăm khám, các chiến sĩ phải phun thuốc khử khuẩn mỗi ngày 2-3 lần, dọn rác thải từ khẩu trang, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, bảo đảm vệ sinh tuyệt đối cho khu vực ăn ở của công dân. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Sang - Đại đội Công binh, chia sẻ: “Hằng ngày, chúng tôi phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để nấu cơm, buổi tối dọn dẹp đến 8-9 giờ đêm mới ngủ. Có điều, không ai bảo ai, anh em chúng tôi luôn làm tròn trách nhiệm, bảo đảm bữa ăn, nước uống cho mọi người”…
Qua chia sẻ của chính các công dân đang cách ly, có thể thấy, doanh trại quân đội với điều kiện vật chất không thể bằng gia đình, nhưng công dân cách ly trong suốt 14 ngày đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Họ được vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, bảo đảm mọi nhu cầu thiết yếu. Và hơn hết, họ nhận được tình cảm chân thành, nồng ấm của cán bộ, chiến sĩ trong những ngày cách ly. Công dân lớn tuổi nhất là Nguyễn Văn Sà, 58 tuổi, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi được bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, được sinh hoạt thoải mái. Các anh bộ đội sẵn sàng giúp đỡ tận tình nên rất yên tâm”. Chị GimYeong, người Hàn gốc Việt có hai con nhỏ nói rằng chị không thể quên những ngày được các anh bộ đội chăm sóc tận tình. Và mới đây, hơn 250 phụ nữ ở hai khu cách ly đã được đón một ngày 8-3 thật đặc biệt khi lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trực tiếp đến tặng hoa và quà để chị em vui đón Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Bằng sự yêu thương và chia sẻ, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thật sự đã để lại những ấn tượng đẹp cho hàng trăm công dân Việt Nam khi chia tay khu cách ly. Bạn trẻ Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Tôi sẽ rất nhớ những ngày được trải nghiệm cuộc sống quân ngũ ở đây, nhớ tình cảm của các chú bộ đội, và mong có dịp được trở lại thăm nơi này”.
Phạm Thị Hảo, 19 tuổi quê Tuyên Quang đã để lại cả một quyển nhật ký sinh động bằng ký họa, trong đó chứa đựng tất cả tình cảm dễ thương, sâu sắc dành cho các chú bộ đội: “Là khi bên ngoài kia với biết bao công việc khác nhau, nhưng điều những người ở đây chọn là bảo vệ công dân, bảo vệ Tổ quốc”... Niềm tin yêu ấy chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố tiếp tục quên mình, xung kích trên tuyến đầu chống dịch.
Hồng Hạnh