Rộng đường trở về

.

Đến cuộc hẹn thứ ba, tôi mới gặp được N. T. T., vì T. liên tục bận rộn với việc giao hàng. Không còn vẻ lầm lì, ít nói như lần đầu tiếp xúc với chúng tôi ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, lần này, N. T. T. chủ động chia sẻ: “Tôi được về địa phương mới đó cũng được 5 tháng rồi, mừng lắm anh ạ. Thật tình, trong thâm tâm cứ nghĩ về địa phương sẽ bị xa lánh, xin việc không dễ, không ngờ được giao việc ngay từ tuần đầu tiên. Các đoàn viên ở Đoàn phường Thuận Phước (quận Hải Châu) đã gần gũi động viên và đứng ra giới thiệu việc làm cho tôi”.

 Trong 18 tháng cai nghiện ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, T. V. T. (ngoài cùng bên phải) đã học được nghề nấu ăn và hiện anh đang là chủ quán ăn nhỏ ở quận Liên Chiểu. Ảnh: THANH VÂN
Trong 18 tháng cai nghiện ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, T. V. T. (ngoài cùng bên phải) đã học được nghề nấu ăn và hiện anh đang là chủ quán ăn nhỏ ở quận Liên Chiểu. Ảnh: THANH VÂN

Tương tự, trước ngày được trở về địa phương, P. T. P. ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) khá lo lắng khi nghĩ đến tương lai việc làm, thu nhập nuôi vợ con. Nhưng rồi, P. trở về nhà được vài ngày đã có đại diện của Hội Cựu chiến binh phường đến động viên và tìm giúp việc làm. “Nhờ sự bảo lãnh của Hội Cựu chiến binh phường mà tôi đã được nhận vào làm ở cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ gần nhà.  Với thu nhập theo sản phẩm, trung bình mỗi tháng kiếm được khoảng 5 - 7 triệu đồng”, P. phấn khởi chia sẻ.

Chia sẻ, hỗ trợ và đặc biệt xóa bỏ tâm lý mặc cảm của người sau cai về địa phương được xem là điểm sáng của công tác tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện ở Đà Nẵng trong những năm gần đây. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nhật Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Ô-tô Liên Chiểu bộc bạch: “Việc từ chối những người sau cai là chuyện không khó, nhưng tôi nghĩ, tạo cho họ một cơ hội cũng chính là cơ hội cho cơ sở sản xuất của mình.

Thực tế, tại đơn vị tôi đã có những người sau cai làm việc rất tốt, không vi phạm gì. Vì vậy, khi Cơ sở xã hội Bầu Bàng mời chúng tôi tham dự chương trình tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người sau cai, tôi nhận lời ngay. Qua trao đổi trực tiếp với các học viên cai nghiện tại đây, có thể thấy rất rõ nguyện vọng của người sau cai là có việc làm và đặc biệt là không bị xa lánh, kỳ thị”.

Báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, hiện thành phố quản lý khoảng trên 600 người sau cai đang cư trú tại địa phương, trong đó có 449 người có việc làm, đạt tỷ lệ đến 70%; 75,4% người  được đánh giá xếp loại có tiến bộ, 16,1% chưa tiến bộ và chỉ có 8,5% người có nguy cơ tái nghiện.

Theo ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, kết quả về lĩnh vực phòng chống ma túy, nhất là việc quản lý tạo việc làm cho người sau cai rất khó ổn định. Tuy nhiên, với những gì thành phố đạt được cho thấy một điều khi có sự chung tay của chính quyền và cộng đồng thì kết quả cải thiện rất tốt. Đặc biệt, với Kế hoạch số 7068/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ và điều trị nghiện ma túy trên địa bàn thành phố (ngày 17-10-2019), Đà Nẵng đã tiến thêm một bước khá dài trong việc hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng. Sau 1 năm triển khai thí điểm tại phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), việc thực hiện kế hoạch này mở thêm nhiều cơ hội cho người sau cai trở lại cộng đồng.

Tại cả hai địa phương này, không những người sau cai được giới thiệu việc làm, tư vấn về pháp lý mà địa phương còn tổ chức những sân chơi bổ ích thông qua các giải thi đấu thể thao, các hoạt động thiện nguyện cùng các hội, đoàn thể ở địa phương... “Rời cơ sở cai nghiện mừng nhiều nhưng lo lắng cũng lắm, vì đủ thứ về pháp luật tôi rất mù mờ, nhưng sau khi được tư vấn, giải thích thì tôi rất yên tâm. Đây chính là động lực giúp tôi tự tin hơn mỗi khi đi làm việc gì đó nhất là các những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý Nhà nước. Tôi đã trở lại với chính mình như lúc còn làm nhân viên marketing du lịch trước đây”, L. Đ. T., một người sau cai được cán bộ tư pháp phường Hải Châu 2 tư vấn về tư pháp chia sẻ.

5 năm qua (2015-2019), thành phố đã tổ chức cai nghiện cho 3.791 lượt người; trong đó cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gần 800 lượt, số còn lại cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và đã có khoảng 70% trong số này có việc làm. Đặc biệt, số người có nguy cơ tái nghiện sau cai luôn duy trì ở mức thấp hơn 10%. Đây là những con số phản ánh đúng sự nỗ lực, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để mở rộng lối về tái hòa nhập cho người sau cai. Tuy nhiên, trên hết vẫn chính là sự quyết tâm từ chính người được hỗ trợ, phải quyết tâm, trân trọng những nỗ lực từ chính quyền địa phương và cộng đồng.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.