1. Ở Việt Nam, lãnh đạo, quản lý là một loại lao động có tính đặc thù và cán bộ là lực lượng thực hiện sứ mệnh đó. Vai trò của cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” , “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực tiễn các thời kỳ cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những minh chứng hùng hồn cho những điều Người đã đúc kết.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 23-4-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp, phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Ảnh: TTXVN |
Ngày nay, với tư cách là lực lượng cầm quyền, tính đúng đắn, hiệu lực và hiệu quả của các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh không chỉ là bộ tiêu chí phản ánh tầm nhìn hoạch định chủ trương, đường lối, hay khả năng cụ thể hóa tầm nhìn của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền, mà còn là thước đo phản ánh kỹ năng, năng lực hành động “vì nước, vì dân” trên thực tế của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người có trọng trách, người đứng đầu mọi tổ chức trong hệ thống chính trị.
Từ đổi mới đến nay, nhờ từng bước nâng tầm nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xác lập và hoàn thiện mô hình tổ chức quyền lực, mô hình quản lý xã hội... nên đất nước ta “đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử”. Cả nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng đã và đang chung tay phối hợp hành động, góp phần phát huy sức mạnh mọi nguồn lực; đặc biệt là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: kinh tế - xã hội tuy đã có bước phát triển, nhưng chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế; khả năng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, những thách thức đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...
Trong những vấn đề trọng đại đó, đáng lưu tâm vẫn là tầm vóc, vai trò của hệ thống tổ chức quyền lực chính trị và những con người đảm nhận trọng trách trong hệ thống đó. Các thách thức mới với các tính chất mới của dân tộc và thời đại, đòi hỏi chủ thể lãnh đạo các cấp phải hình thành tư duy hệ thống mang tính toàn diện, cụ thể và chủ động... Chẳng hạn, những diễn biến cực kỳ phức tạp của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019, đầu 2020 đến nay và câu hỏi: “Kỷ nguyên tiếp theo của nhân loại sẽ là gì sau đại dịch”? Và, trong diễn tiến đó cả nước nói chung, mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi ngành nói riêng sẽ phải tư duy lại về nhiều vấn đề của thế giới, đồng thời phải cấu trúc lại bản thân - kiến tạo mô hình phát triển như thế nào để bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững... cần phải kịp thời bổ sung, bàn thảo trong chương trình nghị sự của đại hội Đảng các cấp.
Vẫn còn hiện tượng các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương khi được trao quyền dường như ít có động cơ phối hợp hoạt động hơn so với khi có sự chỉ đạo từ Trung ương; hay tình trạng “nằm im chờ thời” sau khi một số chủ thể lãnh đạo, quản lý ở một số ngành, địa phương bị xử lý do có nhiều sai phạm từ các quyết sách đậm chất “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” mà thực chất là lợi ích cá nhân. Ở một chừng mực nào đó, cạnh tranh giữa các địa phương là yếu tố tích cực bởi đó là môi trường lành mạnh nhất thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Tuy vậy, khi quyết định của địa phương này ảnh hưởng đến địa phương khác và ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, cho dù được dư luận xem là “tích cực” hay “tiêu cực”, thì tình trạng thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong một hệ thống quyền lực, hệ thống chính trị đều khiến hệ thống hoạt động kém hiệu quả, nếu không nói là gây tổn thất lớn cả về tài sản vật chất lẫn giá trị tinh thần của mỗi địa phương và của quốc gia. Nói cách khác, lãnh đạo trong thời kỳ mới sẽ phải đối diện với việc phải đưa ra các quyết định, ngay cả khi chưa có đủ cơ sở chắc chắn, và vì vậy, quyết định đó là một sự kết hợp của “chấp nhận được về lý lẽ” của hiện tại với “khả năng học hỏi, điều chỉnh hoàn thiện thêm” của tương lai khi có thêm tri thức, dữ liệu và các nguồn lực cần thiết, có thêm các thông tin về các phản hồi của hệ thống, các phản ứng bên trong hệ thống chính trị cũng như của xã hội và quốc tế...
2. Tận dụng thế và lực mới, vượt qua thách thức đã, đang và sẽ là yêu cầu đối với cả dân tộc, trước hết như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vẫn là trọng trách của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là dịp để Đảng ta thể hiện rõ vai trò, trọng trách của mình đối với dân, với nước. Tất nhiên, công tác chuẩn bị cho đại hội có nhiều việc quan trọng. Xét đến cùng, sự thành công của đại hội các cấp thể hiện tập trung trong mức độ hoàn thành hai loại vấn đề căn cốt nhất.
Thứ nhất, thể hiện tầm vóc trí tuệ trong đánh giá đúng các nguồn lực, dự báo các xu hướng biến đổi của thời đại để xác lập mô hình phát triển của quốc gia, của từng địa phương, ngành, thể hiện tập trung trong Báo cáo chính trị của đại hội các cấp vừa “hợp lý, hợp lẽ, hợp thời”, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Thứ hai, thể hiện sự sáng suốt, bản lĩnh trong lựa chọn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ ý chí, đủ tài năng để đảm đương trọng trách lãnh đạo, quản lý và vận hành hệ thống, góp phần hiện thực hóa mô hình phát triển đã được lựa chọn (tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ tiếp theo).
Ý thức được điều đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình công tác nhân sự cho đại hội các cấp đã được Trung ương quy định khá tường tận, rõ ràng. Tuy vậy, với tính cách là một khâu có ý nghĩa quyết định mọi thành bại của hiện tại và tương lai, cũng là loại vấn đề khá nhạy cảm, phức tạp nên quá trình triển khai thực hiện các quyết sách nói trên có thể còn những bất cập.
Vì lẽ đó, Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu trong công tác nhân sự: “Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn”.
Theo tinh thần đó, từ tổ chức Đảng đến mỗi đảng viên tham gia đại hội các cấp, cần xác định trách nhiệm trong công tác nhân sự với các nội dung cụ thể sau: Các cấp ủy cần chủ động cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng bộ; tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp ủy làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; chủ động phương án nhân sự, cần kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn.
Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp ủy với bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc, tránh áp đặt để ngăn chặn tình trạng “phản ứng ngược”.
Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm nguyên tắc, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm.
Mỗi cấp độ chủ thể có thẩm quyền, cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, khách quan, công tâm trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Theo đó, đánh giá cán bộ cần quán triệt nguyên tắc: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng và thực hiện cơ chế tranh cử công khai thi tuyển kết hợp với thời gian cho sự thử thách vị trí việc làm là một hướng cần khích lệ. Thực hành đúng các nguyên tắc trên là cách thức hợp lý, có độ tin cậy cao trong lựa chọn ủy quyền, trao quyền, giao trọng trách cho những con người đủ đức, đủ ý chí, đủ tài năng “lo cho dân, cho nước”.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng