10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 46-CT/TW

Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh

.

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (ngày 27-7-2010) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, 10 năm qua, các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, nhất là trong đối tượng thanh - thiếu niên, công nhân...

Tuyên truyền lối sống văn hóa lành mạnh cho người dân thông qua tiểu phẩm ngắn được ngành văn hóa thực hiện thời gian qua. TRONG ẢNH: Tiểu phẩm Lão điền thưa kiện do Hội nghệ sĩ thành phố thực hiện.                   Ảnh: NGỌC HÀ
Tuyên truyền lối sống văn hóa lành mạnh cho người dân thông qua tiểu phẩm ngắn được ngành văn hóa thực hiện thời gian qua. TRONG ẢNH: Tiểu phẩm Lão điền thưa kiện do Hội nghệ sĩ thành phố thực hiện. Ảnh: NGỌC HÀ

Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh

Nhiều năm qua, Đà Nẵng xác định việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trong giai đoạn mới phải gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 13-8-2014 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội”.

Khi triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” nói riêng, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình và là cơ quan thường trực phong trào TDĐKXDĐSVH, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) chủ động tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng triển khai phong trào theo từng giai đoạn. Trong đó, đặc biệt chú trọng về chất lượng phong trào và chất lượng các danh hiệu văn hóa.

Căn cứ chỉ đạo của Trung ương, trong từng giai đoạn, sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành bộ tiêu chuẩn xét, công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDĐKXDĐSVH phù hợp với thực tế của địa bàn và bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong công tác triển khai. Nhờ đó, các danh hiệu văn hóa đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của nhân dân; nâng cao ý thức tự quản, tự giác trong việc phát huy các giá trị văn hóa, thực sự trở thành những lá chắn góp phần chống lại các sản phẩm văn hóa độc hại.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết thêm, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW, Sở VH-TT còn tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra sản phẩm văn hóa phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức triển khai song song nhiều giải pháp khác như đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức chương trình văn nghệ, thể thao nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh cho nhân dân...

Phát triển văn hóa tinh thần cho công nhân, thanh niên

Ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, triển khai Chỉ thị số 46-CT/TW, 10 năm qua, đơn vị đã chỉ đạo Nhà Văn hóa Lao động thành phố và Trung tâm Văn hóa - Thể thao công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú nhằm thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động đến tham gia các hoạt động giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.

Đồng thời, Nhà Văn hóa Lao động thành phố tiếp tục phát huy vai trò, chức năng là điểm đến vui chơi, giải trí của công nhân, viên chức, người lao động trên toàn thành phố. Các Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện phát huy, sử dụng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng dành cho công nhân trên địa bàn; phối hợp tổ chức và hỗ trợ chuyên môn cho các doanh nghiệp tổ chức các giải thể thao, văn nghệ cho công nhân.

Đơn cử, quận Cẩm Lệ thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hỗ trợ lực lượng trọng tài cũng như điện, nước để tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như: bóng đá, cầu lông, bóng bàn... tại nhà thi đấu đa năng; tổ chức hội trại ngoài trời phục vụ cho công nhân lao động.

Quận Liên Chiểu tổ chức quy hoạch các dịch vụ văn hóa tập trung, cụ thể như quy hoạch mạng lưới karaoke tập trung tại tuyến đường Ngô Văn Sở. Đây cũng là một địa chỉ sinh hoạt của phần lớn công nhân lao động vào những dịp cuối tuần, lễ, Tết...

Trong khi đó, nhiều năm qua, tuổi trẻ thành phố dưới sự định hướng, tổ chức của các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên... đã có rất nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo, linh hoạt trong công tác đấu tranh phòng, chống xâm nhập của các văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW.

Theo anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn, chỉ riêng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, Thành Đoàn đã tổ chức 1.311 buổi tuyên truyền và phát gần 15.000 tờ rơi đến tận tay ĐVTN thành phố. Với các chủ trương, chính sách của thành phố về công tác phòng ngừa sự xâm nhập văn hóa phẩm độc hại, tuổi trẻ thành phố có gần 12.000 bài viết, ấn phẩm tham gia dự thi các chương trình do Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên tổ chức.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên còn tạo ra rất nhiều sân chơi để tuổi trẻ thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với xã hội. Các đợt hoạt động cao điểm như “Tháng Thanh niên”, diễn đàn “Nghề nghiệp, việc làm”, “Môi trường xanh”, “An sinh xã hội”, “Sức trẻ thành phố”... luôn thu hút đông đảo ĐVTN thành phố tham gia sôi nổi, nhiệt tình và sáng tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố đã nhạy bén trong việc thu hút, định hướng và vận động ĐVTN trở thành những tuyên truyền viên tích cực trên các mạng xã hội. Từ website của các cơ sở Đoàn, đến các trang cá nhân như Facebook, Zalo, Viber... của các ĐVTN trở thành kênh thông tin bổ ích để tuổi trẻ cất tiếng nói đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc, bôi xấu chế độ của các thế lực thù địch. Đó cũng là môi trường thuận lợi để các chương trình đậm chất tuổi trẻ dấn thân như chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Mùa hè tình nguyện”, “Học kỳ trong quân đội”... đến rộng rãi tuổi trẻ thành phố, khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo ghi nhận từ các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với các chương trình hành động của thành phố đã tạo phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, giúp ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại, xây dựng Đà Nẵng ngày một văn minh, hiện đại, giàu giá trị truyền thống.

Nhóm PV VHXH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.