Đà Nẵng đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình Covid-19 được kiểm soát

.

Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020 về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình Covid-19 được kiểm soát nhằm sớm vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020 và thời gian đến.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống, kiểm soát Covid-19, sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, phương tiện và chủ động triển khai các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội nhưng đảm bảo kiểm soát đúng mức, không chủ quan, lơ là; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người dân, trật tự, an toàn xã hội và hoạt động phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay là nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tiếp cận nhanh các cơ chế, chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lãi suất ngân hàng, tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu…

Chỉ đạo sớm triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19, bảo đảm đúng quy định, đối tượng và công khai, minh bạch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Xác định rõ những cơ hội, động lực mới cho tăng trưởng, triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm, gồm: đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu;  kích cầu du lịch, khuyến khích tiêu dùng nội địa; thúc đẩy đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án. 

Rà soát, cân đối chi ngân sách hiệu quả, phù hợp với tiến độ thu, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên 9 tháng cuối năm của các địa phương, đơn vị; giảm tuyệt đối các khoản chi chưa có nội dung chi; rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết giảm tối đa các khoản chi lễ hội, hội thảo, hội nghị, khánh tiết, đi công tác nước ngoài…

Thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” và tổ chức tốt Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2020. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là hỗ trợ nhà đầu tư về tiếp cận cơ chế, chính sách, vốn, đất đai… để nắm bắt thời cơ thu hút nguồn vốn đầu tư.

Tiếp tục triển khai có kết quả các công trình, dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư tại Tọa đàm Mùa xuân 2019 và các dự án được xúc tiến tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2020. Xây dựng các cơ chế mở để khuyến khích đầu tư phát triển khối kinh tế tư nhân, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường phân cấp, phát huy trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị, gắn với công tác đánh giá, chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch…

Tiếp tục cụ thể hóa triển khai có hiệu quả 12 chương trình, kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng gắn với lãnh đạo tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Bảo đảm an ninh, an toàn các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng từ nay đến cuối năm. Kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình dư luận xã hội, vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương của Đảng về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật, các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự, thông tin sai sự thật… nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn của nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các ngành chức năng xây dựng các chương trình, kế hoạch, kịch bản điều hành; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội.

Chỉ đạo ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp mới (Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2), Khu Công viên phần mềm số 2…

Có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, như: sản xuất ô-tô, cao su, linh kiện điện tử, nước uống… bù đắp sụt giảm từ đầu năm đến nay. Xây dựng kịch bản và tập trung nguồn lực khôi phục hoạt động ngành du lịch Đà Nẵng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đầu tư, hoàn thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cung ứng các sản phẩm hữu cơ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ đô thị và du lịch. Tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực trên các lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cấp thoát nước, môi trường, an sinh xã hội…

Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo HĐND thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát và đồng hành cùng UBND thành phố trong chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố, kế hoạch đầu tư trung hạn; sớm xem xét thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (ngoài chính sách chung của Trung ương), báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2020. 

Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố vận động người lao động chia sẻ, chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội địa theo phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của mình trong việc nắm bắt tình hình triển khai và hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng quy định...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt, cụ thể hóa thực hiện chỉ thị này phù hợp với tình hình, điều kiện của từng ngành, địa phương, đơn vị; chủ động xây dựng phương án thích ứng với trạng thái bình thường mới. Phát động các phong trào thi đua thiết thực, tạo khí thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp.

Các hội, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố chủ động chuẩn bị các điều kiện, nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch; tăng cường hỗ trợ, hợp tác, liên kết thông qua chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội ngành nghề, địa phương để phát triển thị trường trong trạng thái mới; tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại thị trường, đổi mới hoạt động tổ chức sản xuất, công nghệ, phương pháp quản trị, thiết lập mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số hóa; tiếp tục đồng hành, chung tay cùng với chính quyền thành phố trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.