Nhiều năm nay, đề án “Phân loại rác thải tại nguồn” (gọi tắt là đề án phân loại rác) nay là chương trình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” được hội viên phụ nữ, nhân dân phường phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng, góp phần chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn phường.
Hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn được cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân khu dân cư 38 của phường Hòa Thuận Tây duy trì đều đặn 2 lần/tháng. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Theo ông Đặng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn phường do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường chủ công thực hiện từ 10 năm nay. Cuối năm 2017, thành phố thực hiện thí điểm đề án phân loại rác tại 4 phường trên địa bàn quận Hải Châu, trong đó có phường Hòa Thuận Tây. Năm 2019, thành phố ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. “Trên tinh thần đó, UBND phường xin ý kiến từ Đảng ủy phường, chỉ đạo Hội LHPN phường chủ công, phối hợp với các cấp, hội đoàn thể thực hiện đề án phân loại rác hiệu quả.
Như vậy, từ một mô hình của phụ nữ, hoạt động phân loại rác trở thành nhiệm vụ quản lý Nhà nước của tất cả các cấp, ngành”, ông Hiếu nói. Cũng theo ông Hiếu, để mô hình được thực hiện hiệu quả, Đảng ủy phường chỉ đạo các chi bộ khu dân cư (KDC), UBND phường yêu cầu các tổ dân phố phổ biến, tuyên truyền đến người dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chung tay cùng Hội LHPN phường thực hiện phân loại rác thải tại nguồn có hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây Nguyễn Thị Kiều Linh, trên tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường, Hội LHPN phường đã triển khai đến toàn thể các chi hội phụ nữ. Hiện nay, tại 49/49 chi hội đều thực hiện thu gom, phân loại rác. Theo chị Nguyễn Thị Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 6, từ khi phát động phong trào phân loại rác đến nay, tất cả 49 hội viên đều hưởng ứng, thực hiện tích cực.
Tại Chi hội Phụ nữ 38 (KDC 38), cứ 2 lần/tháng vào chiều thứ Bảy hoặc Chủ nhật, cán bộ, hội viên trong chi hội gõ cửa từng nhà để thu gom rác tài nguyên. Những túi chai nhựa, vỏ lon; thùng các-tông được các hộ phân loại từ rác thải sinh hoạt hằng ngày để thu gom. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 38, số tiền bán được sau mỗi lần thu gom khoảng 300.000 - 500.000 đồng. Khoản tiền ấy được chị Hoa ghi chép cẩn thận, cất riêng để dùng vào các hoạt động an sinh xã hội trong KDC.
Năm 2019, em Phan Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 5) được Chi hội Phụ nữ 38 hỗ trợ học bổng “Ước mơ xanh” từ nguồn quỹ phân loại rác để tiếp sức đến trường. Linh là con hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bố em bị đau cột sống nhiều năm nay, không làm được việc nặng; mẹ em không có việc làm ổn định. Số tiền 500.000 đồng do Chi hội Phụ nữ 38 đã giúp Linh có thêm kinh phí trang trải học tập, mua sách vở.
“Trước đây, khi muốn tổ chức hoạt động gì trong KDC đều phải đi vận động. Từ ngày có hoạt động phân loại rác để gây quỹ, mọi hoạt động an sinh xã hội trong KDC như: phát quà Trung thu, quà Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, phát học bổng, tặng quà cho chị em phụ nữ Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tặng quà Tết cho hộ nghèo,… đều có kinh phí chủ động”, bà Hoa nói.
Không chỉ hỗ trợ học bổng “Ước mơ xanh” cho học sinh, sinh viên nghèo, từ nguồn quỹ này, các chi hội phụ nữ còn giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn làm ăn, phát triển kinh tế. Chị Lê Thị Thanh Thủy (trú KDC 6) là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ hay đau ốm. Thấy hoàn cảnh vất vả của chị, Chi hội Phụ nữ 6 đã trích quỹ 500.000 đồng để hỗ trợ chị vượt qua cơn ngặt nghèo.
Theo chị Nguyễn Thị Kiều Linh, từ năm 2016 đến nay, tổng số tiền thu được từ phân loại rác hơn 355 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các chi hội phụ nữ đã trao tặng 250 suất quà hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ đơn thân.
“Mô hình phân loại rác là chủ trương đúng đắn, trước hết đã góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết hiện nay để không còn nơi chôn lấp rác. Nguồn quỹ thu được từ hoạt động phân loại rác được sử dụng để chăm lo, phục vụ lại cho chính nhân dân, hỗ trợ những đối tượng khó khăn, yếu thế, giảm tải gánh nặng cho ngân sách địa phương; góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn phường”, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây Trần Thị Mai Hương cho biết.
Không chỉ làm tốt hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, trong 2 năm 2018-2019, UBND phường Hòa Thuận Tây còn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức 5 ngày hội thu túi ni-lông đã qua sử dụng đổi các vật dụng thay thế thân thiện môi trường như ly giấy, bao ni-lông sinh học, hộp nhựa dùng nhiều lần...; qua đó đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Song song với mô hình phân loại rác, Hội LHPN phường còn duy trì thực hiện phong trào “Phụ nữ Hòa Thuận Tây thực hiện 3 không - 2 có (không vượt đèn đỏ, không cờ bạc số đề, không vãi gạo muối vật cúng ra đường; có cây xanh, có phân loại rác tại hộ gia đình và có sức khỏe, có lòng nhân ái); “Đường xanh, hè phố sạch”.
Đoàn Thanh niên phường thực hiện tốt phong trào “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”; thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, ra quân dọn vệ sinh. Nhờ đó, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây luôn bảo đảm xanh - sạch - đẹp.
LAM PHƯƠNG