Những ngày tháng 5, không ai nhắc ai, cả dân tộc Việt Nam từ cụ già tới em thơ đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ - Vị Cha già của dân tộc. Với vợ chồng ông Lê Tôn Sùng (83 tuổi) và bà Từ Thị Công Lễ (80 tuổi), trú tại số 275/21 Trường Chinh (quận Thanh Khê) - những người từng được gặp Bác Hồ, những ngày này họ càng nhớ Bác da diết.
Những tấm ảnh được chụp cùng Bác thời niên thiếu, bà Lễ cất giữ cẩn thận như báu vật. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Chúng tôi ghé thăm vợ chồng ông Sùng, bà Lễ vào những ngày đầu tháng 5, đúng hôm bà Lễ tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi. Ở tuổi 80, những chuyện khác bà Lễ có thể quên đi phần nào, nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí bà.
Bà Lễ vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Nhờ sáng dạ, năm 14 tuổi, bà Lễ được chọn ra miền Bắc học tập. Trước khi lên đường, bà Lễ được già làng của xã Sơn Thủy (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) giao “trọng trách” nếu được gặp Bác Hồ phải nhìn cho thật kỹ để về kể lại cho đồng bào nghe. Ra miền Bắc, bà Lễ học tập và trở thành diễn viên múa trong Đoàn Văn công Quân khu 5.
Trung thu năm 1956, bà Lễ là một trong số những học sinh xuất sắc được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Với một học sinh dân tộc H’rê ở miền núi xa xôi như bà Lễ, việc được vào gặp Bác là niềm vinh dự lớn lao rất đỗi tự hào. Nhớ lại lời dặn của già làng, lần gặp Bác đầu tiên ấy, bà Lễ dường như không để tâm đến điều gì ngoài Bác. “Khi đó tuy nhỏ tuổi nhưng tôi nhanh lắm, chen vào ngồi cạnh Bác cho bằng được. Tôi thủ thỉ kể với Bác lời dặn của già làng, rồi xin cầm tay Bác, vuốt râu Bác để về… kể lại cho cả làng nghe. Bác vừa nghe vừa gật đầu”, bà Lễ xúc động kể.
Sau lần đầu tiên gặp Bác, bà Lễ còn nhiều lần được cử đi đón Bác, nhìn Bác từ xa. Nhưng lần gặp Bác cuối cùng, cũng là lần bà Lễ nhớ mãi. Đó là lần biểu diễn văn nghệ cho Bác xem vào năm 1967.
Lần ấy, bà Lễ cùng các diễn viên trong Đoàn Văn công Quân khu 5 biểu diễn văn nghệ cho Bác xem trong 30 phút, trong đó có tiết mục múa “Du kích bờ biển” của bà Lễ. Nhạc nổi lên, vì mải mê nhìn Bác, bà Lễ quên búi tóc. Khi ấy, một nam diễn viên trong đoàn là ông Lê Tôn Sùng (cũng là chồng bà Lễ bây giờ) đứng bên kia sân khấu nhắc “tóc! tóc!”. Bà Lễ vội vàng búi lại mái tóc rồi di chuyển ra sân khấu theo điệu nhạc. “Khi ấy miệng cười rất tươi, nhưng trong lòng rất lo. Lỡ mà tóc xổ ra thì tôi ân hận suốt đời. Diễn cho ai chứ diễn cho Bác xem mà thiếu sót là tôi ân hận lắm. Tiết mục biểu diễn, may sao tóc vẫn không xổ, khi ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, bà Lễ nhớ lại.
Xong bài múa, Bác lên sâu khấu, tặng mỗi người một cái kẹo. Tất cả những viên kẹo Bác cho, bà Lễ và mọi người không ai dám ăn mà gói kỹ trong giấy, cất kỹ trong ba lô. Khi chương trình văn nghệ xong, bà Lễ và các diễn viên lui vào sân khấu, Bác cùng mọi người chụp ảnh. Sau đó Bác dặn nhà thơ Tố Hữu nhớ cho các cháu ăn mỗi người một tô phở thật to cho thật no. Bác đứng một lúc, rồi nói lời tạm biệt cả đoàn để ra về.
Còn với ông Sùng, tuy không được gặp Bác Hồ nhiều, nhưng với ông, 2 lần được gặp Bác là những kỷ niệm không thể nào quên. Tháng 4-1964, ông Sùng cùng các diễn viên trong Đoàn Văn công biểu diễn văn nghệ cho Bác xem. Lần ấy, ông Sùng và đồng nghiệp đang tập văn nghệ thì Bác đến thăm. Bác đứng giữa sân tập, nhất định không chịu lên phòng khách ngồi. Tất cả diễn viên đứng quây quanh Bác. Khi ấy, đạo diễn cử ông Sùng cùng một nữ diễn viên biểu diễn trích đoạn Tây Nguyên khoảng 1 phút cho Bác xem. “Chúng tôi múa tại chỗ. Sau khi múa xong, Bác lại ôm hôn, tặng kẹo. Rồi Bác hỏi có mệt không? Tôi nói: “Dạ thưa mệt, nhưng gặp Bác thì hết mệt rồi”. Ban đầu nghe tin gặp Bác, tôi hồi hộp lắm, nhưng khi gặp Bác, được Bác ôm, hôn, tôi có cảm giác gần gũi như người thân ruột thịt trong gia đình, chứ không nghĩ Bác là một vị lãnh tụ”, ông Sùng bồi hồi nhớ lại.
Ngước nhìn theo hướng ông Sùng và bà Lễ chỉ, tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng trên tường. Nhìn sang tấm ảnh gia đình treo bên cạnh, bà Lễ giới thiệu lần lượt từng thành viên. Hai con trai bà Lễ giờ đây tiếp nối bước chân bố mẹ với con đường binh nghiệp. Con dâu bà Lễ cũng phục vụ trong môi trường quân đội. “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà cuộc đời một đứa trẻ dân tộc như tôi mới tốt đẹp, gia đình hạnh phúc như hôm nay. Tôi luôn biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ”, bà Lễ nói.
Để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ, hàng chục năm nay, vợ chồng ông Sùng, bà Lễ luôn cố gắng học tập Bác ở sự giản dị, gần gũi, làm những gì có lợi cho dân. Học Bác, ông Sùng tỉ mẩn làm những tấm bảng cảnh báo đặt ở các bã ba, ngã tư trong khu dân cư nhắc nhở các phương tiện đi chậm để bảo đảm an toàn. Năm nào vào dịp sinh nhật Bác, ông Sùng cũng tự tay trồng thêm một cây xanh, lặng lẽ góp thêm bóng mát, quả ngọt cho đời.
LAM PHƯƠNG