Ngày 19-5 năm nay là tròn 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong di sản mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn Dân ta, tư tưởng về công tác cán bộ nói chung, về lựa chọn cán bộ nói riêng có một vai trò hết sức quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (1-1-1962). (Ảnh tư liệu) |
Nhìn tổng thể, tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn cán bộ có thể thu gọn trong hai chữ tinh tường. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài viết về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nhắc đến hai chữ tinh tường đã chú thích rằng tinh tường là “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài” đang che đậy “cái sơ sài bên trong”.
Muốn thật tinh tường khi lựa chọn cán bộ, không để tự mình rơi vào tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, hoặc “thấy đỏ tưởng là chín”, hoặc “mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” như cách nói của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh(1), cần phân biệt rõ thế nào là cán bộ tốt, thế nào không phải là cán bộ tốt, như Người từng gợi ý: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”(2); ngược lại “ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh của họ thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”(3).
Nếu thiếu tinh tường thì rất dễ đánh giá người “làm được việc” là cán bộ tốt, còn người “công tác kém một chút” không phải là cán bộ tốt, quên rằng trong trường hợp này “làm được việc” chính là “cái mã bên ngoài” dễ gây ngộ nhận trong đánh giá, bởi người gọi là “làm được việc” ấy chỉ chuyên “tìm việc nhỏ mà làm”; trong khi người “công tác kém một chút” không phải do năng lực hạn chế mà chủ yếu do “không ham việc dễ, tránh việc khó” và quan trọng hơn là do “không che giấu khuyết điểm của mình”.
Muốn thật tinh tường khi lựa chọn cán bộ, không để tự mình rơi vào tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, hoặc “thấy đỏ tưởng là chín”, hoặc “mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” như cách nói của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần nhớ lời Người từng căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ...”(4); từng nhấn mạnh: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của con người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của một người không phải luôn giống nhau”(5); từng khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”(6).
Muốn thật tinh tường khi lựa chọn cán bộ, không để tự mình rơi vào tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, hoặc “thấy đỏ tưởng là chín”, hoặc “mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” như cách nói của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều cốt lõi nhất là người có thẩm quyền đánh giá không được định kiến, không được mắc “những chứng bệnh” mà Người đã thẳng thắn chỉ ra: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(7).
Rõ ràng muốn thật tinh tường khi lựa chọn cán bộ đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không để tự mình rơi vào tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, hoặc “thấy đỏ tưởng là chín”, hoặc “mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” như cách nói của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo - những người có thẩm quyền đánh giá và lựa chọn cán bộ - có vai trò rất quan trọng. Chính vì thế, Người đã yêu cầu cao đối với cán bộ lãnh đạo, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo trước tiên phải thật tinh tường khi tự đánh giá mình, bởi “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình.
Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(8). Cũng chính vì thế, Người còn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo cần thực hiện thật tốt “5 Phải”: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”(9).
Trong tiếng Việt có hai từ thoạt trông rất giống nhau, chỉ khác nhau một dấu thanh duy nhất: tinh tường và tinh tướng. Thế nhưng trong đạo đức công vụ, tinh tường là một đức tính còn tinh tướng là một thói xấu. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, cán bộ, đảng viên chúng ta cần phấn đấu để ngày càng thêm tinh tường trong công vụ nói chung và trong lựa chọn cán bộ nói riêng; đồng thời luôn giữ mình để không tinh tướng với đồng sự, với thuộc cấp và với người dân.
Bùi Văn Tiếng
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.317
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.318
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.318
(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.318
(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.317
(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.672
(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.319
(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.317
(9) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.319