Nhiều năm đã qua, ông Trần Văn Học (ảnh), 105 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thanh niên Cứu quốc Khu Nam Đà Nẵng thời chống Pháp, hiện trú phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm trong cuộc kháng chiến chống Pháp và các hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ trên chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng.
Ông Học tham gia kháng chiến từ mùa thu lịch sử 1945, làm công tác thanh niên tại địa phương, rồi được bầu vào Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc Khu Nam Đà Nẵng.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ và phương pháp hoạt động nội thành được huấn luyện, ông Học đã xây dựng được nhiều cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng.
Ông vận động nhiều thanh niên bí mật tham gia các hoạt động kháng chiến như rải truyền đơn, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ.
“Tôi còn nhớ rõ thanh niên Mai Vân ở khu vực Lỗ Sài, làm nghề thợ mộc, rất nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ đóng khuôn gỗ để làm miệng hầm bí mật.
Tiếp đó, ta vận động cơ sở làm phên đôi tại các góc khuất trong nhà và khoét bộng cây để làm nơi trú ẩn cho cán bộ. Nhờ vậy, các cán bộ hoạt động bí mật ở nội thành có chỗ trú ẩn, tránh được sự lùng sục của địch, nhất là về mùa lũ, khi hầm bí mật bị ngập nước”, ông Học kể.
Đến tháng 2-1951, ông Học được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Khu Nam Đà Nẵng. Trên cương vị này, ông càng tích cực xây dựng thêm cơ sở mới, móc nối lại các cơ sở bị đứt liên lạc, ra sức phát triển các chi hội thanh niên. Ông Học hào hứng kể lại việc treo cờ cách mạng tại Lăng Ông, cạnh sông Hàn, trong đêm 19-4-1951.
Ông Học và một tổ thanh niên ở phường 1 (khu vực Hòa Cường) chuẩn bị một lá cờ đỏ sao vàng, một cây tre dài, các sợi dây buộc và làm một quả lựu đạn giả. Giữa khuya, toàn tổ bí mật đến Lăng Ông, treo cờ và gài quả lựu đạn giả trên đầu cây tre, rồi dựng cây tre lên, buộc giữ chắc chắn.
“Sáng hôm sau, nhân dân thấy cờ cách mạng, đến xem rất đông. Bà con trông thấy cờ đỏ sao vàng, thầm thì bảo nhau: Việt Minh vẫn đang hoạt động trong thành phố! Còn mục đích gài lựu đạn giả của chúng tôi là để địch không dám hạ cờ…”, ông Học tự hào.
Tích cực phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ
Năm 1954, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng mở Chiến dịch Xuân Hè để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Các lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục đánh điểm, diệt viện, cắt giao thông, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.
Đầu tháng 3-1954, Đội Đặc công 11 và lực lượng công binh Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng tấn công địch ở hai đầu cầu và đánh sập cầu Câu Lâu trên quốc lộ 1A. Cầu Câu Lâu bị đánh sập, việc cơ động, vận chuyển, tiếp tế của quân Pháp gặp nhiều khó khăn, đồng thời chúng phải căng quân ra đối phó. “Quân ta tiếp tục các hoạt động công đồn, tập kích, phục kích nhằm giam chân địch và làm phân tán quân cơ động của chúng, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ”, ông Học nhấn mạnh.
Giữa tháng 3-1954, Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức phục kích, tiêu diệt đoàn xe Pháp trên đường 104 thuộc địa phận huyện Duy Xuyên. Trong trận này, một đoàn xe Pháp từ Đà Nẵng chở viện binh đi ứng cứu đồng bọn tại đồn Non Trượt (Duy Xuyên) vừa bị ta tấn công. Thực hiện phương châm “đánh điểm, diệt viện”, Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng kịp thời bố trí trận địa phục kích trên đường 104 (đoạn Chợ Chùa-Cầu Chìm) và đã diệt gọn 1 tiểu đoàn địch, phá hủy nhiều xe quân sự, thu hàng trăm khẩu súng các loại…
Tại thành phố Đà Nẵng, các hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt nhằm làm phân tán lực lượng cơ động của Pháp. Tiêu biểu như trận đánh của Đại đội 14 phá hủy toàn bộ kho dù lớn của địch ở Đà Nẵng, không cho chúng có phương tiện đưa viện binh, vũ khí, đạn dược tiếp tế lên Điện Biên Phủ. Hay như chiến công diệt 5 đồn địch ở phía đông Đà Nẵng đêm 25-4-1954.
Tham gia trận đánh này có các lực lượng Đội 11 đặc công nước, Đại đội 64 Điện Bàn và du kích Khu Đông Đà Nẵng. 5 mục tiêu tấn công là đồn Mỹ Khê, đồn An Hải, đồn Tân Thái, đồn Cổ Mân và đồn Mân Quang. Cầu De Lattre (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) - chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Hàn hồi ấy, bị ta đánh hỏng nên viện binh Pháp từ phía tây Đà Nẵng không ứng cứu được đồng bọn ở phía đông thành phố.
Tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Cùng lúc, tại khu đông Đà Nẵng, quân ta nhanh chóng tấn công tiêu diệt 5 mục tiêu, thu nhiều chiến lợi phẩm và rút lui an toàn. Ông Học còn nhớ rõ, trong trận đánh này, Khu Nam Đà Nẵng đảm nhiệm hỗ trợ tiểu đội đặc công nước đánh cầu De Lattre; để lừa địch, cả ngày lẫn đêm, ta thả bèo trôi qua cầu.
Mới đầu, địch nghi ngờ Việt Minh núp dưới bèo, bắn xuống xối xả, nhưng bắn mãi mà chẳng thấy Việt Minh đâu, chúng mới cho rằng bèo trôi bình thường và không bắn nữa. Thế là, tiểu đội đặc công nước từ khu vực Hói Nại (nay thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đưa 60kg thuốc nổ, bơi dưới bèo, tiến đến trụ cầu ở giữa và đánh hỏng một nhịp cầu.
Đặc biệt, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã lập nên chiến công vang dội - Chiến thắng Bồ Bồ vào đêm 18-7-1954 tại xã Điện Tiến (Điện Bàn), đánh tan Chiến đoàn cơ động số 10 của giặc Pháp, giáng thêm một đòn đau vào quân hiếu chiến Pháp-Mỹ.
“Chiến thắng Bồ Bồ được ví như một Điện Biên Phủ ở Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, lập lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương”, ông Học khẳng định và tiếp tục những câu chuyện dường như không có hồi kết về những ngày xây dựng phong trào nội thành ở Đà Nẵng, hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng những ngày kháng Pháp... Với ông, đó là những niềm tự hào bất tử với thời gian.
LÊ VĂN THƠM