Những người lính chăm 'con mọn'

.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Sơn Trà đã có rất nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên sử dụng ma túy. Phẩm chất kiên cường, bền bỉ, của người lính cùng với tình thương yêu, sự bao dung, vị tha như những người ông, người bác trong gia đình, đã trở thành “vũ khí” để những CCB cảm hóa, giúp đỡ những thanh-thiếu niên từ bỏ con đường nghiện ngập, trở thành công dân tốt.

 Với sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh phường An Hải Tây, P.V.T.D (phải) đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: T.S
Với sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh phường An Hải Tây, P.V.T.D (phải) đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: T.S

Trở về từ Cơ sở xã hội Bầu Bàng, V.Q.T, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), được Hội CCB phường tiếp nhận và giáo dục cảm hóa, đến nay, T. đã rời bỏ hoàn toàn ma túy, có vợ con, công việc ổn định. Nhớ về chặng đường đã qua, T xúc động cho biết: “Nhờ các chú CCB trong phường và khu phố kèm cặp, giúp đỡ tôi mới có cuộc sống ngày hôm nay, nếu không bây giờ không dám nghĩ tương lai sẽ thế nào”.  P.V.T.D ở phường An Hải Tây, cũng là trường hợp may mắn khi được Hội CCB phường kèm cặp, giúp đỡ vay vốn làm ăn sau khóa cai nghiện. Hiện D. đã cai hẳn ma túy, có vợ con và chuyển về ở một chung cư tại quận Cẩm Lệ.

Báo cáo của Hội CCB quận Sơn Trà, từ năm 2016 đến 2019, Hội được Hội CCB thành phố phân công kèm cặp, theo dõi và giúp đỡ 24 thanh-thiếu niên hư hỏng nghiện ma túy. Trong đó, năm 2016 và 2017 kèm 18 trường hợp; năm 2018 và 2019 kèm 6 trường hợp. Ngoài 2 trường hợp không tìm được địa chỉ trên thực tế, còn lại 22 trường hợp khi được phân công về Hội CCB các phường có đến trên 90% cai nghiện thành công và có công ăn việc làm ổn định.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Chủ tịch Hội CCB quận ví von: “Việc theo dõi, kèm cặp, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ thanh-thiếu niên nghiện ma túy chẳng khác nào như nuôi con mọn. Gần như không ngày nào rời mắt khỏi các em. Các em đi đâu, lúc nào về, làm gì bằng mọi cách phải biết... Tất cả quá trình quan sát này đều được ghi đầy đủ vào hồ sơ theo dõi, để báo cáo cho Hội CCB quận, Công an phường, Công an khu vực nắm rõ, để có sự can thiệp kịp thời”.  

Còn theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội CCB phường An Hải Bắc, việc được phân công theo dõi, kèm cặp thanh- thiếu niên nghiện ma túy là một thử thách thực sự về sự kiên trì, bền bỉ đối với các CCB. “Đã có trường hợp Hội CCB theo dõi, kèm cặp một thanh niên vừa cai nghiện về lại địa phương, gần như 24/24 giờ.

Thế nhưng khi Công an tiến hành test đột xuất kết quả vẫn dương tính với ma túy. Những trường hợp như vậy nhắc chúng tôi cẩn thận hơn, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với gia đình, tổ dân phố để thêm “tai mắt” theo dõi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự tin tưởng để các em tâm sự, nói lên nguyện vọng của mình muốn giúp đỡ mới hiệu quả. Với cách làm này, 4 năm qua, số thanh-thiếu niên nghiện ma túy được phân công cho Hội CCB phường quản lý đã có đến khoảng 90% thành công, có công ăn việc làm ổn định, một số em đã lập gia đình”, ông Hoàng cho biết.

Từ năm 2016 đến 2019, Hội CCB quận Sơn Trà và các phường đã giúp đỡ cho 22 trường hợp được vay vốn ưu đãi để tổ chức làm ăn với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn vận động của các Hội CCB quận và các phường, tất cả thanh-thiếu niên có nhu cầu làm ăn đều nhận được sự hỗ trợ sinh kế và học nghề... với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Đây là nguồn lực rất quý, giúp thanh-thiếu niên từ bỏ con đường nghiện ngập, tập trung làm ăn, trở thành công dân tốt.

T.S

;
;
.
.
.
.
.