Chắp cánh tương lai

.

Dẫu có những thời điểm gặp nhiều trở ngại nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên, bảo mẫu của Trung tâm Từ thiện thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) luôn nêu cao nhiệt tình, tâm huyết trong công việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.   

Một buổi học tại Trung tâm Từ thiện thuộc Dự án Lớp học cộng đồng. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Một buổi học tại Trung tâm Từ thiện thuộc Dự án Lớp học cộng đồng. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Những năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc 193 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ngoài học văn hóa, các em còn được tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, văn nghệ, thể thao, được giáo dục, bồi dưỡng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm...

Tùy theo độ tuổi và hoàn cảnh, các em được đón vào Trung tâm theo 6 dự án, gồm: Dự án Mái ấm gia đình cơ sở 1, Dự án Mái ấm gia đình cơ sở 2, Dự án Nam sinh viên, Dự án Nữ sinh viên, Dự án Lớp học cộng đồng và Dự án Chương trình tình yêu của mẹ. Ở dự án nào, các em cũng được đi học và được cán bộ, nhân viên và các bảo mẫu chăm sóc ân cần, chu đáo. Em Đoàn Thị Bình Vui, trú phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), hiện ở Mái ấm gia đình cơ sở 2, đang học lớp 11 Trường THPT Thái Phiên thổ lộ: “Từ ngày vào Trung tâm Từ thiện, cuộc đời em đã thay đổi hẳn. Ở đây, em được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập, được hưởng nhiều chế độ dinh dưỡng và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, nhờ đó, kết quả học tập và thể lực của em khá lên hẳn”.      

Trong quá trình hoạt động, Trung tâm nhận được sự tài trợ của Tổ chức “Trả lại tuổi thơ” (Giving it back to kids - Mỹ) và một số nhà hảo tâm khác. Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí nuôi dưỡng các em gần 27 tỷ đồng và đến nay đã có nhiều em ra khỏi chương trình. Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 88 em và dạy thêm miễn phí cho 314 em con hộ nghèo theo Dự án Lớp học cộng đồng. Trưởng thành từ Trung tâm, nhiều em thành đạt, trở thành người hữu ích cho xã hội. Đơn cử như em Nguyễn Ngọc Hiếu, ở xã Tiên Thọ (Tiên Phước, Quảng Nam) mồ côi cha, mẹ làm ruộng, nhưng ít đất, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Ngọc Hiếu đã được Trung tâm nuôi dưỡng trong suốt những năm học đại học, bây giờ đã trở thành hướng dẫn viên du lịch chững chạc.

Hay như trường hợp Nguyễn Công Bình, quê xã Đại Hòa (Đại Lộc, Quảng Nam), được nuôi dưỡng tại mái ấm gia đình cơ sở 2 khi còn học phổ thông, lên đại học em được đón về ở khu nhà nam sinh viên. Những năm học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Bình đều đạt kết quả khá, giỏi, xuất sắc trong các môn học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Bình được chính Trung tâm tuyển dụng làm giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh cho thế hệ đàn em…

Đội ngũ cán bộ, nhân viên, bảo mẫu tại Trung tâm luôn nêu cao nhiệt tình trách nhiệm, vững vàng về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ và hết lòng thương yêu những học sinh, sinh viên và trẻ em bất hạnh. Đến nay, có hơn 100 học sinh, sinh viên khó khăn được Trung tâm nuôi dạy đã trưởng thành. “Mặc dù có những thời điểm gặp nhiều trở ngại, nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên, bảo mẫu chúng tôi vẫn luôn toàn tâm toàn ý, nỗ lực vượt mọi khó khăn để chắp cánh tương lai cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giàu ý chí”, Giám đốc Trung tâm Từ thiện Đặng Hữu Bảo chia sẻ.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.