Thời gian qua, các cấp, ngành địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong việc phòng chống xâm hại trẻ em dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú; mang lại hiệu quả thiết thực.
Trẻ em cần được truyền thông, trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị xâm hại. Trong ảnh: Cán bộ Sở LĐ-TB&XH thành phố tuyên truyền cho học sinh THCS trên địa bàn về các kỹ năng sống. Ảnh: P.MINH |
Năm 2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố phối hợp với Tổ chức tầm nhìn thế giới tổ chức Ngày hội truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Qua ngày hội, hàng trăm học sinh là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ trẻ em trên địa bàn thành phố được truyền thông về lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội, các bước xâm hại tình dục qua môi trường mạng và cách phòng chống.
Với các tiểu phẩm, trò chơi, xử lý tình huống thực tế về xâm hại tình dục qua môi trường mạng, các em đã có những giờ phút sinh hoạt tập thể thật thoải mái, đồng thời, qua đó có thêm nhiều kiến thức bổ ích cho bản thân. “Em thấy hoạt động này rất bổ ích, vừa vui vừa giúp chúng em biết thêm cách để phòng tránh nếu bị xâm hại, em sẽ tuyên truyền cho các bạn cùng biết”, em Nguyễn Thị Minh Hà (12 tuổi, trú quận Hải Châu) chia sẻ.
Ngày hội nói trên là một trong nhiều hoạt động truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em thiết thực, hiệu quả do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức trong thời gian qua. Theo thống kê, năm 2019, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã tổ chức gần 2.000 cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề, tập huấn tại các khu dân cư, tổ dân phố, trường học, các Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn,… về các vấn đề liên quan trẻ em như: Luật Trẻ em, Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; phát hiện và lên án các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111... cho trẻ em, cha mẹ, tổ trưởng dân phố, cán bộ đoàn, phụ nữ, giáo viên các cấp, nhất là bậc mầm non.
Hiện nay, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trẻ em, Luật Trẻ em được các sở, ngành, đoàn thể, địa phương của thành phố thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hướng đến nhiều nhóm đối tượng. Hằng năm, thành phố còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, giao lưu và các sự kiện nhân dịp các ngày lễ, Tết của trẻ em như tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em, Đêm hội trăng rằm, diễn đàn trẻ em....
Các chiến dịch truyền thông theo chủ đề, đặc biệt thực hiện phát sóng trực tiếp các chương trình tọa đàm với nội dung “Phòng, chống xâm hại trẻ em”; tổ chức các hội thi “Trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”; “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”..., tổ chức các diễn đàn về quyền trẻ em, các cuộc giao lưu đã thu hút hàng ngàn lượt trẻ em, phụ huynh tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là phụ huynh và trẻ em về một môi trường an toàn, không bạo lực, không xâm hại để trẻ em phát triển toàn diện.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Công Nguyên, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ trẻ em; phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em trong thời gian qua được chuyển tải ngày càng phù hợp giữa nội dung truyền thông với nhu cầu của các nhóm đối tượng xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận một thực tế, hiện nay, hoạt động tuyên truyền vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, hình thức nội dung tuyên truyền đôi lúc chưa thiết thực; đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ…
“Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em một cách sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và người dân trong phòng ngừa, tố cáo và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại. Đồng thời, chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em vào sinh hoạt thôn, tổ dân phố, đoàn thể ở khu dân cư; vào sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học…”, ông Trần Công Nguyên nói.
PHƯƠNG MINH